Thỏa thuận ngừng bắn Syria nguy cơ đổ sụp
(Cadn.com.vn) - Nga và Mỹ vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các chiến dịch ngoại giao mạnh mẽ để khôi phục thỏa thuận ngừng bắn cho toàn bộ đất nước Syria, vốn sẽ bao gồm thành phố đang xung đột đẫm máu Aleppo và một phần thủ đô Damascus.
Sơ tán người dân bị thương ra khỏi những ngôi nhà đổ nát do trúng bom |
Lần thứ hai chỉ trong vài ngày qua, chính quyền Syria cũng như phe đối lập ôn hòa nhất trí kéo dài “cơ chế ngừng bắn” tại vùng ngoại ô đông Ghouta của thủ đô Damascuas thêm 48 giờ, theo đó chấm dứt vào ngày 3-5 (giờ địa phương).
Bất chấp lệnh ngừng bắn tạm thời, giao tranh vẫn bùng phát tại đây và quanh thành phố Aleppo trong đêm 2-5. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), 5 người thiệt mạng khi phe nổi dậy nã pháo dữ dội vào các khu vực do chính phủ kiểm soát ở thành phố Aleppo, nơi không áp dụng lệnh ngừng bắn tạm thời mà chính phủ Syria công bố tuần trước. Ngày 3-5, phe nổi dậy tiếp tục không kích trúng một bệnh viện khiến ít nhất 3 người chết và nhiều người khác bị thương.
Chiến dịch không kích ác liệt cũng diễn ra suốt đêm 2-5 ở Raqqa - “thủ đô” trên thực tế của nhóm Hồi giáo IS vốn cách Aleppo 160km về phía đông, làm ít nhất 13 dân thường thiệt mạng. 5 phần tử thánh chiến cũng bị tiêu diệt trong đợt không kích này. Tuy nhiên, SOHR không cho biết rõ lực lượng tiến hành các vụ không kích này là chính phủ Syria, không quân Nga hay liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu.
“Cơ chế ngừng bắn” mới nhất lần này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nga đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy chính sách ngoại giao mạnh mẽ cứu vãn thỏa thuận ngừng bắn mà họ đứng trung gian đang có nguy cơ sụp đổ. Washington đã nhanh chóng khởi động các kế hoạch để từng bước làm sống lại toàn bộ thỏa thuận hiếm hoi này.
Nhà Trắng hôm 3-5 đưa ra ý tưởng về một bản đồ chi tiết về “vùng an toàn” - nơi dân thường và các thành viên của các nhóm đối lập ôn hòa có thể tìm thấy nơi trú ẩn an toàn tránh khỏi các cuộc tấn công dai dẳng. Hiện chưa rõ liệu Nga có chấp nhận kế hoạch như vậy hay không hoặc liệu Moscow có thể thuyết phục Damascus tôn trọng các “vùng an toàn” hay không. Trên thực tế, Nga cũng đang nỗ lực hết mình để không phải chứng kiến xung đột nghiêm trọng lại bùng phát trên khắp Syria trước khi bàn đàm phán hòa bình được nối lại, dự kiến vào ngày 10-5 tới, để tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài suốt hơn 5 năm qua.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm trong nhiều giờ với người đồng cấp Mỹ John Kerry bàn cách ngăn chặn tình trạng bạo lực tại Syria. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Kerry đề nghị Moscow hỗ trợ nhằm kiềm chế và ngăn chặn tình trạng bạo lực tại Syria, đặc biệt là xung quanh thành phố điểm nóng Aleppo. Cả hai ngoại trưởng cũng nhất trí về các bước đi tiếp theo của Moscow và Washington với tư cách là thành viên của Nhóm quốc tế ủng hộ Syria nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới.
Tại LHQ, Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các bên đối địch ở Syria tuân thủ ngay lập tức lệnh ngừng bắn để tránh tiếp tục leo thang xung đột xung quanh Aleppo. Trong khi đó, Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura ngày 3-5 đã đến Nga để gặp Ngoại trưởng Lavrov, trong đó ông kêu gọi thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch ở Syria phải được đưa về đúng lộ trình.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, lần đầu tiên có hiệu lực vào cuối tháng 2 vừa qua, nhưng không bao gồm các tổ chức khủng bố như IS và Nhóm Al- Nusra. Thỏa thuận này cho đến nay được đánh giá là vẫn có hiệu lực dù xảy ra xung đột ở Aleppo khiến nguy cơ sụp đổ đang cận kề. Dù tình hình nguy cấp, trên mặt đất, những nỗ lực cứu trợ của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế vẫn tiếp tục. Một đoàn 16 xe tải trợ giúp 12.000 gia đình bị mắc kẹt trong thị trấn Talbiseh bị bao vây ở phía bắc trung tâm thành phố Homs.
Khả Anh