Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1" - Còn nhiều nỗi lo

Thứ sáu, 17/01/2020 16:53

Sau gần 2 năm tranh cãi, Mỹ- Trung đã ký một thỏa thuận đình chiến thương mại được chờ đợi từ lâu tại Nhà Trắng hôm 15-1. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới có thể dịu lại và sự không chắc chắn về thương mại có thể sẽ kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống trong năm nay.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhau sau khi ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

“Hòa bình” lặp lại

Tổng thống Donald Trump coi thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa Mỹ và Trung Quốc là một bước đột phá quan trọng.

Các quan chức Mỹ cho biết thỏa thuận sẽ giảm một số mức thuế và cho phép Bắc Kinh tránh thuế bổ sung đối với gần 160 tỷ USD hàng hóa của nước này. Chính quyền Tổng thống Trump cũng cho biết họ nhận được các cam kết từ Trung Quốc trong việc mua hàng hóa nông nghiệp trị giá hàng tỷ USD và cung cấp một số biện pháp bảo vệ công nghệ và bí quyết kinh doanh của các Cty Mỹ tại Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn hứa sẽ không có hành vi thao túng tỷ giá để giành lợi thế về thương mại. Thỏa thuận cũng bao gồm một cơ chế thực thi để đảm bảo những lời hứa đưa ra được thực hiện đầy đủ. “Đây là một dịp rất quan trọng và đáng nhớ”, ông Trump nói. “Cùng nhau, chúng ta đang khắc phục những sai lầm trong quá khứ”.

Trong lá thư gửi ông Trump được đọc tại lễ ký, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh và Washington có thể cùng nhau tạo ra cầu nối giữa những khác biệt. Ông Tập cũng viết rằng thỏa thuận này “tốt cho Trung Quốc, cho Mỹ và toàn thể thế giới”. Với thỏa thuận này, “hòa bình” coi như đã được lập lại giữa Mỹ và Trung Quốc sau gần 2 năm căng thẳng. Thỏa thuận quy định hai bên nối lại các cuộc đối thoại kinh tế mà các chính quyền Mỹ tiền nhiệm từng có với Bắc Kinh.

Các tổ chức doanh nghiệp Mỹ nhìn chung hoan nghênh thỏa thuận, nhưng cũng kêu gọi hai bên sớm đàm phán giai đoạn 2 để tiến tới dỡ thuế quan.

Vẫn còn nhiều “lỗ hổng”

Theo nhiều nhà phân tích, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng sẽ tiếp tục tồn tại vào năm 2020 khi Bắc Kinh và Washington bước vào “giai đoạn hai” của vòng đàm phán thương mại, dự kiến sẽ khó khăn hơn “giai đoạn một”. Phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ chỉ trích thỏa thuận, cho rằng ông Trump đã chấp nhận một thỏa thuận hời hợt và làm mất đi đòn bẩy trong những vấn đề quan trọng hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, bao gồm vấn đề Trung Quốc trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước.

Truyền thông Trung Quốc cũng thận trọng về thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” với Mỹ, cảnh báo những điều không rõ ràng có thể gây nguy hiểm cho quan hệ hai nước. Trong khi đó, chi tiết cụ thể hơn về thỏa thuận không được công bố. Các nhà kinh tế, phân tích thị trường và chuyên gia thương mại cũng hoài nghi về việc liệu hai nước có thể có những bước tiến quan trọng về các vấn đề quan trọng hơn, chẳng hạn như yêu cầu của Washington rằng Trung Quốc phải giảm đáng kể vai trò trong nền kinh tế nước này. Thỏa thuận giai đoạn đầu “không đánh dấu sự kết thúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc”, các nhà phân tích tại Capital Economics nhận định trong một nghiên cứu vào tháng trước. Theo một phân tích tháng 12 từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, hai bên đang giữ mức thuế đáng kể. Khoảng 2/3 tất cả hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc - trị giá khoảng 370 tỷ USD - vẫn sẽ được áp thuế sau khi thỏa thuận được ký kết. Và hơn một nửa hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc vẫn sẽ phải chịu mức thuế trả đũa.

Nhiều nhà phân tích còn chỉ ra các vấn đề “rắc rối hơn” trong tương lai. Phát biểu tại một sự kiện ở Hồng Kông tuần này, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen cảnh báo, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm chậm sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, mạng di động 5G và các công nghệ khác liên quan đến an ninh quốc gia.

Căng thẳng với Châu Âu

Trung Quốc không phải là cường quốc thế giới duy nhất gặp rắc rối với Mỹ về thương mại. Chính quyền Trump đang cân nhắc xem có nên áp thuế đối với hàng hóa của Pháp trị giá 2,4 tỷ USD - bao gồm pho mát, túi xách và rượu sâm banh - để trừng phạt nước này vì đã áp thuế mới đối với các dịch vụ kỹ thuật số của Washingtong. Mỹ lập luận rằng, thuế quan của Pháp ảnh hưởng đến các Cty công nghệ lớn của Mỹ như Facebook và Google, tạo ra rào cản đối với thương mại. EU, tổ chức có nhiệm vụ quản lý chính sách thương mại thay mặt cho các quốc gia thành viên, đã đe dọa sẽ đáp trả nếu bị Washington khiêu khích.

Thuế quan mới cũng khiến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Brussels thêm leo thang. Hồi tháng 10-2019, chính quyền Tổng thống Trump đã áp mức thuế 25% đối với hầu hết rượu vang Châu Âu, để trả đũa việc chính phủ Brussels trợ giá cho nhà sản xuất máy bay Airbus. Kể từ đó, Nhà Trắng đã đe dọa sẽ tăng thuế vì thiếu tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề. Washington cũng đã áp thuế đối với thép và nhôm sản xuất tại Liên minh Châu Âu và đe dọa mức thuế cao hơn đối với ô-tô của Đức mặc dù BMW, Volkswagen và Daimler đã tăng cường đầu tư vào Mỹ.

Theo William Reinsch, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một thỏa thuận giải quyết những vấn đề này với Châu Âu sẽ là một trong những ưu tiên của ông Trump trong năm 2020. Đó là một mối quan hệ vô cùng quan trọng mà cả hai bên cần duy trì. Thương mại giữa Mỹ và EU trị giá hơn 1.100 tỷ USD mỗi năm - mối quan hệ song phương lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo ông Reinsch, một thỏa thuận khó có khả năng được thực hiện. Ông Reinsch chỉ ra rằng, các cuộc đàm phán thậm chí có thể không được thực hiện vì bất đồng về việc liệu nông nghiệp - một ngành được trợ cấp và bảo vệ cao ở Châu Âu – có nên được đưa vào đàm phán hay không.

AN BÌNH