Thoát hiểm

Thứ ba, 12/11/2013 12:47

(Cadn.com.vn) - Mỹ thoát khỏi một phần bóng ma bê bối nghe lén đình đám trong thời gian qua khi ngày 11-11, Liên minh Châu Âu (EU) quyết định nối lại đàm phán về Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Washington.

Đây là một phần trong nỗ lực tiến đến cuộc đàm phán nhằm xúc tiến việc đạt được hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. Theo kế hoạch, vòng hai của đàm phán TTIP được tổ chức vào tháng 10 vừa qua, song bị trì hoãn do sự cố chính phủ Mỹ đóng cửa và các vụ do thám đồng minh của Washington bị phát giác. Vòng đàm phán TTIP thứ  3 dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 20-12 tại Washington.

Mỹ và EU đặt mục tiêu ký kết hiệp định vào cuối năm 2014 nhằm hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới khoảng 40% sản lượng kinh tế và 50% thương mại toàn cầu. EU ước tính, TTIP sẽ mang lại lợi nhuận hàng năm lên đến 119 tỷ EUR cho khối gồm 28 quốc gia thành viên với 500 triệu dân này. Có lẽ, vì lợi nhuận này mà các quốc gia Châu Âu " nhắm mắt làm ngơ" mối quan hệ đang tổn hại giữa Nhà Trắng và các đồng minh vì bê bối nghe lén gây rúng động vừa qua. Đó cũng là công của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trong thời gian qua, ông liên tiếp kêu gọi các nhà lãnh đạo Châu Âu không nên để bê bối nghe lén cản trở đàm phán TTIP mà theo ông sẽ tạo nên "một trong những lực lượng kinh tế mạnh nhất hành tinh".

Và cũng có lẽ, nguyên nhân do Châu Âu tạm hài lòng với cách xử trí vấn đề của Mỹ - tuyên bố giảm các hoạt động nghe lén và tiến đến ký kết thỏa thuận không do thám lẫn nhau giữa Berlin và Washington. Nhưng thiết nghĩ, để bàn đàm phán đi đến thành công, có lẽ, Mỹ cần hành động tích cực hơn đúng như lời  Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói: xin lỗi "nạn nhân" bị nghe lén Đức và cũng là quốc gia quyền lực và lớn nhất Châu Âu. Dù không biết rằng, điện thoại di động của bà Merkel bị nghe lén, song với cương vị của một tổng thống, ông Obama cần phải xin lỗi nữ Thủ tướng Đức khi vụ việc vỡ lở.

Ông chủ Nhà Trắng liệu có nên làm vậy chăng!

Thanh Văn