Thoát khỏi bẫy lừa đảo nhờ "Zalo kết nối bình yên"

Thứ sáu, 04/10/2024 08:10

Ngày 1-10, qua mô hình "Zalo kết nối bình yên", 2 người dân trên địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã thoát khỏi bẫy lừa đảo qua mạng viễn thông và kịp thời trình báo cho lực lượng Công an xác minh điều tra. Thời gian qua, mô hình "Zalo kết nối bình yên" tại công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Tĩnh đã thu hút sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân, mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác đảm bảo ANTT.

Ông Mậu và ông Đoàn trình báo sự việc với cơ quan Công an địa phương.
Ông Mậu và ông Đoàn trình báo sự việc với cơ quan Công an địa phương.

Theo đó, sáng 1-10, điện thoại di động của ông Võ Tá Mậu (1950, trú thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) đổ chuông với một số điện thoại lạ lẫm. Nghe máy, giọng một người phụ nữ vang lên, tự xưng là Thiếu úy Đỗ Thị Mai công tác tại Công an huyện Can Lộc. Người này thông báo rằng ngày 18-6 vừa qua, thông tin cá nhân của ông Mậu bị lợi dụng để vay số tiền 50 triệu đồng tại ngân hàng MB Bank (địa chỉ tại Hà Nội). Đối tượng yêu cầu ông Mậu phải hoàn trả số tiền trên để được "giảm nhẹ tội", đồng thời yêu cầu ông không được tiết lộ thông tin cho người khác biết.

Khi tiếp nhận thông tin, dù có chút lo lắng, song nhờ theo dõi các bài viết cảnh báo trên mạng xã hội và qua mô hình "Zalo kết nối bình yên" của Công an thị trấn Nghèn, ông Mậu đã nhận ra dấu hiệu của một vụ lừa đảo. Ngay lập tức, ông đã đến Công an thị trấn Nghèn trình báo sự việc. Lực lượng Công an đã nhanh chóng chỉ rõ đây là một thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng, mạng viễn thông, giúp ông Mậu tránh bị mất số tiền nói trên.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Huy Đoàn (1950, trú xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc) cũng nhận được cuộc gọi từ một người lạ. Mở đầu câu chuyện, người này tự xưng là thiếu úy Nguyễn Hữu Chiến công tác tại Công an huyện Can Lộc. Sau màn tự giới thiệu, người này cho biết, ngày 16-6 vừa qua, ông Đoàn bị người khác mạo danh thông tin cá nhân để vay tiền tại ngân hàng Quân đội MB bank tại Hà Nội với số tiền 50 triệu đồng; đồng thời yêu cầu ông Đoàn phải hoàn trả lại số tiền trên để được "nhẹ tội". Khi chuyển tiền cần gọi cho ban chuyên án theo số điện thoại 0944531057, gặp đồng chí Bùi Hùng Dũng- Trưởng phòng xử lý hồ sơ. Người này còn cảnh báo, trong quá trình thực hiện thì không được thông báo cho người thân biết.

Cũng nhờ theo dõi facebook và "zalo kết nối bình yên" của Công an xã Kim Song Trường, các buổi tuyên truyền của Công an xã, ông Đoàn nghi ngờ đây là hành vi lừa đảo nên đã lên Công an xã Kim Song Trường trình báo sự việc. Sau khi được Công an xã Kim Song Trường chỉ rõ đây là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, cũng như mạng viễn thông, ông Đoàn đã không chuyển tiền cho các đối tượng.

Qua việc kịp thời cảnh báo và tương tác với người dân, lực lượng Công an thị trấn Nghèn và Công an xã Kim Song Trường đã ngăn chặn được vụ lừa đảo này, bảo vệ tài sản của người dân. Mô hình "Zalo kết nối bình yên" tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền và hỗ trợ người dân phòng, chống tội phạm lừa đảo, đặc biệt là trên không gian mạng, mạng viễn thông. Tính từ thời điểm triển khai mô hình zalo kết nối bình yên đến nay, lực lượng Công an cấp cơ sở đã ngăn chặn hàng trăm vụ việc lừa đảo tương tự và các nội dung liên quan đến công tác phòng chống các loại tội phạm khác.

Được biết, Hà Tĩnh đã có 216/216 phường, xã và thị trấn triển khai mô hình "Zalo kết nối bình yên" với trên 90.000 thành viên tham gia. Mô hình đã giúp lực lượng công an áp dụng những tiện ích của công nghệ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Từ khi triển khai mô hình, nhiều trường hợp người dân gặp khó khăn hay có sự việc cần phản ánh đều được lực lượng công an nhanh chóng hỗ trợ giải quyết. Mô hình cũng tạo điều kiện cho bà con được hưởng những quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của mình trong công tác quản lý nhà nước về ANTT tại cơ sở.

X.SƠN

Lật tẩy gã triệu phú đô-la “dỏm” và thủ đoạn lừa đảo bằng “USD phủ hóa chất”

Giả danh Việt kiều Mỹ với tài sản đầu tư hàng triệu USD, một đối tượng đã dùng thủ đoạn mang tiền USD giả được sơn đen để lừa đổi tiền thật, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người dân.

Bắt 15 đối tượng giả danh nhà tu hành có uy tín để bán thuốc tự chế, lừa người dân

Công an bắt giữ 15 đối tượng giả danh nhà tu bán thuốc tự chế, lừa khách; thu giữ 42 điện thoại di động, 15 máy tính cá nhân, 11 xe máy, 16 gói thuốc lá cây, nhiều tài liệu khác.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giả mạo các công ty công nghệ, chương trình khuyến mãi

Lợi dụng tiện ích của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có thủ đoạn giả danh các công ty công nghệ, chương trình khuyến mãi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.