Thoát nghèo nhờ nuôi chim cút
Những năm qua, nhờ sự đầu tư, chăm sóc, cùng với quyết tâm cao, nhiều hộ dân tại xã Hòa Phước (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đã mạnh dạn đầu tư nuôi chim cút với hiệu quả kinh tế khá cao. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chị Lê Thị Yến cùng nhiều người dân tại xã Hòa Phước có thu nhập hàng triệu đồng mỗi tháng nhờ hiệu quả từ mô hình nuôi chim cút. |
Hiện nay, H. Hòa Vang là địa phương có quy mô nuôi và kinh doanh chim cút nhiều nhất trên địa bàn TP Đà Nẵng. Nếu như trước đây, không ít chủ hộ nuôi chim cút theo hình thức đơn lẻ, mang lại hiệu quả thấp thì nay, nhiều người đã tự chủ động kết nối thành mô hình tổ sản xuất, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Là một trong những người tiếp cận mô hình nuôi chim cút khá trễ, chị Lê Thị Yến (1983, trú xã Hòa Phước) đã cố gắng tự tìm tòi học cách chăn nuôi với mong muốn vươn lên làm giàu, cải thiện thu nhập cho gia đình.
Chị Yến cho biết, trước đây tại địa phương đã có một số hộ nuôi chim cút mang lại hiệu quả khá tốt và chị cũng có ý định mở trang trại để mày mò nuôi thử. Tuy nhiên, điều băn khoăn của chị là không dự toán được kinh phí, cũng như thiếu kinh nghiệm nên chưa thể thực hiện được ý tưởng của mình. Vào tháng 6-2018, trong một lần được Hội Phụ nữ huyện cử đi tập huấn các ý tưởng khởi nghiệp theo Đề án 938 (Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025) của Chính phủ, từ những kiến thức học được, chị đã mạnh dạn đầu tư một trang trại 150 m2 để nuôi khoảng 10 nghìn giống chim cút.
Theo chia sẻ của chị Yến, chim cút là loài vật dễ nuôi, sức đề kháng khá tốt, đồng thời vốn đầu tư không cao, lại thu hồi nhanh nên mang hiệu quả khá cao. Khi nuôi chim cút, đòi hỏi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng để tránh dịch bệnh. Nhiệt độ thích hợp để chim cút phát triển tốt nằm trong khoảng 20 - 300C. "Khi mua chim cút giống về, tôi thường chăm sóc trong thời gian khoảng 45 ngày là chim có thể đẻ trứng. Nếu đạt năng suất cao, mỗi ngày, 10.000 chim cút có thể cho khoảng 7.500 trứng, sau khi trừ tất cả chi phí, có mang về thu nhập khoảng 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, sau 9 tháng, khi năng suất sinh sản của chim cút kém hiệu quả, tôi sẽ bán hết tất cả số chim này ra thị trường. Số tiền bán chim cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ số tiền thu về, tôi sẽ chi ra 1 phần tiếp tục đầu tư vào nguồn giống mới để tiếp tục chăn nuôi bán lấy trứng", chị Yến thông tin.
Hiện nay, chị Yến là một trong những hộ nuôi chim cút trẻ nhất tại địa phương. Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Phước, chị Yến thành lập mô hình tổ sản xuất nuôi chim cút với sự tham gia của các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Từ khi thành lập tổ, chị Yến đã chủ động định hướng, căn cứ vào nguồn lực của các tổ viên mà triển khai quy mô chăn nuôi phù hợp cho từng hộ. Nếu như trước đây, nhiều hộ thường đắn đo về cách thức chăn nuôi làm sao để chim cút sinh trưởng mạnh, chọn nguồn thức ăn đảm bảo, lo lắng về thị trường đầu ra thì hiện nay, nhờ có mô hình hiệu quả, quá trình chăn nuôi từ đầu vào đến đầu ra đều đã được đảm bảo.
Chị Yến cho biết, từ khi thành lập tổ, chị đã chủ động liên hệ với các tiểu thương để cung cấp nguồn thức ăn chất lượng cao, sau đó, giới thiệu cho các hộ kinh doanh để chủ động nguồn thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, chị có sự kết nối với cán bộ thú y xã thường xuyên đến từng hộ chăn nuôi để kiểm tra chuồng trại, tiêm thuốc tăng sức đề kháng cho chim. Ngoài ra, chị cũng có những buổi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho những tổ viên, qua đó, nhiều hộ đã dần có kỹ năng chăm sóc chim sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Với sự hiệu quả của tổ sản xuất nuôi chim cút, hiện nay, các công đoạn khâu từ chọn giống, chọn nguồn thức ăn đảm bảo, thú y, vệ sinh chuồng trại và thị trường đầu ra đã có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và các tiểu thương. Đặc biệt ở khâu đầu ra, bản thân chị Yến cùng các tổ viên luôn chủ động tìm kiếm thị trường, cung cấp cho các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố với hiệu quả rất cao.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình tổ sản xuất chim cút xã Hòa Phước đã có 17 thành viên, với mức thu nhập trung bình từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Với chị Yến, không chỉ nhạy bén trong tư duy làm giàu, chị Yến còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho bà con, bởi theo chị, không có gì vui bằng việc giúp người nông dân thoát nghèo, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Thời gian tới, chị Yến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi khép kín, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa giúp tăng thu nhập hiệu quả hơn.
Ngọc Quốc