Thời điểm quyết định

Thứ năm, 12/11/2015 08:12

(Cadn.com.vn) - Nhiều người cho rằng, đây là thời điểm thích hợp và mang tính quyết định để Mỹ tham gia Ngân hàng Đầu tư và Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu thành lập.

Đối với Washington, AIIB như là "cái gai trong mắt" khi ngân hàng này được thành lập nhằm tạo thế đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vốn do Mỹ đứng đầu. Trích dẫn các mối lo ngại đối với thực tiễn hoạt động và chính sách của AIIB, Washington mạnh mẽ khuyến khích các đối tác gần gũi ở Châu Âu và Châu Á không gia nhập ngân hàng này. Tuy nhiên, các thành viên quan trọng nhất của AIIB hiện nay lại là các quốc gia như Anh, Hàn Quốc, và Australia - các đồng minh quan trọng của Mỹ. Đây được đánh giá là thất bại lớn của Washington trong nỗ lực gây áp lực cho các quốc gia đồng minh.

Với việc AIIB dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama - và bất kỳ người nào kế nhiệm ông - rõ ràng đang cần một chiến lược rõ ràng hơn trong vấn đề này. Các cuộc tranh luận hiện nay đang bùng nổ xoay quanh câu hỏi khó xác định là liệu AIIB có là "đối thủ" đáng gờm của WB và ADB hay không. Tất nhiên, đây là một câu hỏi có vẻ tùy thuộc vào định nghĩa chính xác về "đối thủ cạnh tranh". Nhưng vì sứ mệnh của AIIB trùng với nhiệm vụ của các tổ chức khác, câu hỏi đặt ra là tại sao những nỗ lực của ngân hàng mới này lại không được xem là một thành quả. Và thực tế, Chủ tịch của cả WB và ADB đều bày tỏ mong muốn hợp tác với AIIB.

Kể từ khi thành lập hệ thống tiền tệ Bretton Woods những năm sau Thế chiến II, Mỹ và các đối tác thành công trong việc tạo một tập hợp  các tổ chức toàn cầu, phản ánh giá trị và ưu tiên của họ. Và cơ cấu quản trị của các tổ chức này đã nghiêng về thế giới của các nước phát triển. Như một quy luật bất thành văn, WB luôn luôn do một người Mỹ lãnh đạo trong khi chiếc ghế quyền lực ở IMF thuộc về người Châu Âu, và ADB là của người Nhật.

Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới  lại trắng tay. Đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Trung Quốc hiện nay đặt nó ở vào vị trí "buộc phải" khao khát cao hơn, trong đó có cấu hình lại hội đồng quản trị các ngân hàng này cũng như thành lập các thể chế mới.  AIIB, rõ ràng, là sự khởi đầu cho xu thế này.

Lo ngại của Mỹ đối với AIIB do đó bị thúc đẩy  mối quan tâm rộng lớn hơn về tác động lâu dài của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế. Điều này khiến Washington đi đến câu hỏi khó, nhưng không thể tránh khỏi: Mỹ nên phản ứng như thế nào khi Trung Quốc mong muốn đóng vai trò lãnh đạo chủ động hơn trong hệ thống toàn cầu của các tổ chức đa phương, và đặc biệt là AIIB?

Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh này, cứ mãi ngồi ngoài trong cuộc chơi AIIB này không phải là lựa chọn khôn ngoan của Mỹ.

Thanh Văn