Thời điểm thuận lợi

Thứ tư, 29/07/2015 09:07

(Cadn.com.vn) - Khi bàn đàm phán hạt nhân Iran đã đơm hoa kết quả, các nước trên thế giới bắt đầu dồn tâm lực cho một quốc gia khác cũng quan trọng không kém: đó là bàn đàm phán 6 bên với Triều Tiên.

Rõ ràng, thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran cho thấy, những nỗ lực ngoại giao để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân 6 bên (gồm Mỹ, Trung, Hàn, Triều, Nga và Nhật) đang ở một thời điểm rất quan trọng và thuận lợi nhất. Bối cảnh hiện nay cũng đang mang đến một số cơ hội như ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (10-10), Trung Quốc tổ chức Ngày chiến thắng phát xít (3-9), Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) năm 2015...

Và mọi việc có vẻ đang được khởi động. Hiện nay, Đặc phái viên Mỹ về đàm phán 6 bên Sydney Seiler đã có mặt tại Hàn Quốc, gặp nhiều quan chức của nước sở tại để bàn về cách thức đối phó với Triều Tiên. Chuyến thăm Seoul lần này của Đặc phái viên Seiler là một phần trong các nỗ lực hiện nay nhằm tìm cách nối lại các cuộc thương lượng thực chất và có thể tin cậy được với Triều Tiên, nhắm mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Seiler đã vuốt ve Bình Nhưỡng khi tuyên bố, Nhà Trắng sẵn sàng chứng tỏ sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên như đã thể hiện trong thỏa thuận gần đây với Iran một khi các cuộc đàm phán này được nối lại. Ông khẳng định, Mỹ lâu nay vẫn để mở cánh cửa đối thoại với Triều Tiên và sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận về một loạt vấn đề. Nhưng để thành công, ông Seiler cho rằng, Triều Tiên cần rút ra một số bài học trong quá trình đàm phán hạt nhân của Iran với các nước P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức).

Trong ngày 28-7, ông Seiler đến Bắc Kinh và đến Tokyo vào ngày mai (30-7) để hội đàm với những người đồng cấp hai nước này, nỗ lực nối lại bàn đàm phán 6  bên. Thật sự các nỗ lực đang đến dồn dập. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân 6 bên của Hàn Quốc Hwang Joon Kook hôm 28-7 kêu gọi quốc gia láng giềng miền Bắc thay đổi thái độ để giải quyết vấn đề hạt nhân. Ông cũng cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi cho đàm phán hạt nhân Triều Tiên. Bởi theo ông, nếu lựa chọn sai, Triều Tiên sẽ phải hứng chịu các hậu quả về kinh tế và ngoại giao.

Dù đã khởi động từ lâu, bàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa thấy có sự tiến triển nào. Vòng đàm phán gần đây nhất được tổ chức hồi tháng 12-2008 và bị đình trệ từ đó đến nay. Bất chấp lời kêu gọi của các nước, Bình Nhưỡng chưa tỏ rõ dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng từ bỏ tham vọng hạt nhân và vẫn luôn coi chương trình hạt nhân là sức mạnh răn đe đầy uy lực.

Trong tuyên bố đáp lại lời kêu gọi của Seoul, Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Chae Ryong khẳng định, việc Bình Nhưỡng không đối thoại là do chính sách thù địch của Washington và rằng, Bình Nhưỡng không quan tâm đến cuộc đối thoại hạt nhân mang tính đơn phương. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, mọi nỗ lực đang... chờ Bình Nhưỡng.

Thanh Văn