Thời điểm trở lại

Thứ tư, 05/08/2015 08:14

(Cadn.com.vn) - 11 quốc gia tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lại lỡ hẹn với nó trong cuộc đàm phán cuối tuần qua. Đây là một kết cục khá đáng tiếc trong bối cảnh các nước được cho là đang dần tìm được tiếng nói chung để tiến đến việc ký kết thỏa thuận này.

Vì vậy, hôm 4-8, Thủ tướng New Zealand John Key kêu gọi các bên tham gia TPP hãy sớm trở lại bàn đàm phán ngay trong tháng này trước khi bị mất đà thúc đẩy ký kết thỏa thuận quan trọng này. “Kết quả trên bàn đàm phán TPP cần phải có trước ngày 19-10 tới, tức là trước cuộc bầu cử liên bang Canada, chứ không thể chờ đợi cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử này”, ông John Key tuyên bố.

Thủ tướng New Zealand là người đang nỗ lực hết mình cho một thỏa thuận chính thức về TPP, và đang nghiêng về khả năng đàm phán trong “2 hoặc 3 tuần tới” sau khi ông tỏ ra rất thất vọng khi cuộc hội đàm cuối cùng tại Hawaii không đạt thỏa thuận về thương mại và đầu tư. Bởi theo ông, “cánh cửa” cho cơ hội ký kết TPP sẽ ngày càng hẹp do cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Mỹ sẽ khiến tiến trình đàm phán khó khăn hơn. Ông cho biết, hiện còn rất ít vấn đề tồn đọng giữa các nước quanh TPP, do vậy các nhà đàm phán và bộ trưởng các nước cần sớm ngồi lại với nhau, để duy trì đà đi lên của thỏa thuận và có thể tránh được những mâu thuẫn không đáng có.

TPP, được đánh giá là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử, đại diện cho khoảng 792 triệu người và chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. 11 quốc gia tham gia TPP, đặc biệt là Mỹ đang nỗ lực tiến đến thỏa thuận trong năm nay. Một khi được ký kết, TPP sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và xuất khẩu của các nước tham gia được tiếp cận thị trường của nhau một cách thuận lợi hơn.

Nhưng TPP đang vấp phải sự phản đối của các nhà môi trường, đại diện cho người lao động và những người ủng hộ quyền riêng tư. Theo họ, nếu thi hành, các quy định về môi trường của TPP không thể giúp hạn chế các hoạt động thương mại vốn làm tổn hại đến môi trường, chẳng hạn như đánh bắt hải sản quá mức và buôn bán động vật hoang dã.

Họ cho rằng, thỏa thuận sẽ làm tổn hại đến môi trường, gây nguy hiểm cho việc làm của người Mỹ, và áp đặt luật sở hữu trí tuệ hạn chế trên toàn thế giới. Nhưng các nhà hoạch định đằng sau thỏa thuận này, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã trấn an rằng, điểm đến thỏa thuận về môi trường đạt được hồi cuối tuần trước là bước tiến tới giải quyết những lo ngại này.

Thanh Văn