Thời khắc lịch sử cho TPP

Thứ ba, 06/10/2015 09:00

(Cadn.com.vn) – 12 quốc gia tham gia bàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có thể ăn mừng khi họ đã đạt thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này ngay vào tối 5-10 (giờ Việt Nam).

Vậy là cuối cùng, nỗ lực đàm phán không ngừng nghỉ trong gần 1 tuần qua đã được đền đáp xứng đáng ngay trên bàn đàm phán tại hội nghị diễn ra ở thành phố Atlanta, Mỹ. Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP đã cùng nhau tháo gỡ các nút thắt chính còn lại trên con đường khá chông gai dẫn đến thỏa thuận lịch sử này gồm: vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ô-tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh học.

Ban đầu, các bên đàm phán chỉ dự kiến họp từ ngày 30-9 đến 1-10 nhưng bộ trưởng thương mại các nước quyết định kéo dài thời gian đàm phán đến ngày 5-10, thể hiện quyết tâm đạt được thỏa thuận cuối cùng về TPP. Bàn đàm phán ngày cuối cùng này rất căng thẳng khi vấn đề đặt ra là các bên vẫn tồn tại những bất đồng lớn về một số vấn đề như sản phẩm bơ sữa và bảo hộ sáng chế sinh học. Trong đó, vấn đề thời gian cho vấn đề bảo hộ sáng chế sinh học, một lĩnh vực đầy hứa hẹn về phương pháp điều trị có nguồn gốc từ các nguyên liệu sống, là rào cản chính trên con đường đi đến thỏa thuận cuối cùng, nhất là áp lực từ Mexico.

Mexico bước vào cuộc đàm phán với các mục tiêu cụ thể: giữ khung thời gian bảo hộ bằng sáng chế cho công nghệ thuốc sinh học từ 5-7 năm, và đảm bảo tối thiểu hàm lượng nội địa cao cho xuất khẩu ô-tô. Điều này mâu thuẫn với Mỹ - quốc gia vốn tìm kiếm khung thời gian 12 năm bảo hộ bằng sáng chế. Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán được mở rộng, Mexico quyết định thỏa thuận về vấn đề này. Theo đó, các nhà đàm phán nước này đồng ý khung thời gian là 8 năm để đổi lấy 45% nội địa hóa tối thiểu cho ô-tô.

Bất chấp chỉ trích, Mexico dường như cho thấy chỉ muốn tập trung vào lĩnh vực ô-tô hơn là vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong vài năm gần đây, Mexico chứng kiến số lượng ngày càng tăng các thương hiệu ô-tô sang trọng như Mercedes-Benz, BMW và Audi mở nhà máy bên trong biên giới của nó. Để bảo vệ lĩnh vực vốn chiếm 6% GDP trong năm 2014, Mexico bắt tay với Canada để hạn chế việc tiếp tục mở cửa thị trường Bắc Mỹ cho ô-tô nước ngoài, đặc biệt là những tập đoàn đến từ Nhật.

Tuy nhiên, các nước Mỹ Latinh khác có liên quan, gồm Chile và Peru, bày tỏ sự thất vọng trước quyết định thỏa hiệp này của Mexico. Họ cho rằng, thời gian giữ độc quyền 5 năm là hợp lý đối với các sinh phẩm được bào chế từ tế bào sống và được dùng để điều trị bệnh ung thư hay một số bệnh khác. Trên thực tế, việc Mexico ủng hộ khung thời gian do Mỹ đánh dấu bước đột phá tiếp theo, mở đường cho 12 nước tiến gần tới hoàn tất TPP sau rất nhiều lần lỡ hẹn. Bởi trước đó trong lần đàm phán này, Australia - vốn bị mắc kẹt trong 5 năm qua về vấn đề này - cũng đạt được thỏa hiệp với Mỹ.

Và  không nằm ngoài dự đoán, các bên đã hoàn tất tiến trình đàm phán TPP. Và TPP giờ chỉ chờ được Quốc hội và chính phủ các nước phê chuẩn để chính thức có hiệu lực.

Thanh Văn