Thời quân ngũ

Thứ ba, 25/07/2017 09:37

Cuộc chiến tranh nào cũng khốc liệt,  cũng đầy đau   thương, mất mát... Với anh Nguyễn Nhị-cán bộ Trạm   Kiểm lâm Chà Val, Hạt Kiểm lâm Nam Sông Bung, Nam Giang, Quảng Nam có một kỷ niệm sâu đậm. Năm 1984, chàng thanh niên Nguyễn Nhị, trú thôn Quá Giáng 2, Hòa Phước, Hòa Vang, TP Đà Nẵng  vừa tròn 20 tuổi, lên đường nhập ngũ. Anh Nhị được điều động về Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5, sau 3 tháng huấn luyện tại Mang Giang, Gia Lai, đơn vị anh nhận nhiệm vụ  thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Lúc bấy giờ, Campuchia vừa thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pôl Pốt-Iêng Xa Ri, nhưng đám tàn quân của chúng vẫn lẩn khuất trong những cánh rừng, chống phá chính quyền cách mạng, hãm hại người dân. Làm nhiệm vụ tại huyện Lum Phát, tỉnh Ratanakiri, là vùng địa hình rừng núi, giáp với vùng biên giới Việt Nam và Lào, nhiệm vụ của đơn vị anh Nhị vừa giúp nhân dân khôi phục, phát triển kinh tế, vừa truy quét đám tàn quân Pôn Pốt, ổn định tình hình an ninh trật tự. Cuộc chiến đấu vẫn còn rất khốc liệt, nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam vẫn hy sinh và thương vong.  Giữa năm 1985, đơn vị anh Nhị bất ngờ nhận nhiệm vụ đặc biệt, hành quân khẩn cấp từ Campuchia sang  Lào để bám dân, nắm tình hình, lần theo dấu vết của tổ chức phản động Hoàng Cơ Minh, đang tìm cách từ biên giới Thái Lan, vượt qua lãnh thổ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, xâm nhập vào Việt Nam với âm mưu phá hoại, lật đổ chính quyền nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.  Nhận nhiệm vụ trên địa bàn rộng lớn của hai tỉnh Chămpasăk và Saravanne, đất nước Lào hơn 2 năm ròng, là quãng đời quân ngũ đầy kỷ niệm của anh Nhị cùng đồng đội trong đơn vị. Hơn hai năm là những cuộc hành quân liên miên, xuyên qua những cánh rừng già, phối hợp cùng lực lượng vũ trang nước bạn Lào, bám dân, nắm tình hình, lần theo dấu vết của tổ chức phản động Hoàng Cơ Minh. Chiến dịch đã kết thúc vào tháng 8-1987, khi ta tiêu diệt toàn bộ tổ chức phản động này, tên cầm đầu Hoàng Cơ Minh đã phải tự sát tại khu vực bản Phon, Saravanne, kết thúc những mưu đồ đen tối của tổ chức phản động ngông cuồng.

Anh Nguyễn Nhị kể lại kỷ niệm quãng đời quân ngũ.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tháng 11-1987, anh Nguyễn Nhị cùng nhiều đồng đội trong đơn vị được xuất ngũ, trở về địa phương. Anh lính từ chiến trường khoác ba lô về quê hương, thôn Quá Giáng 2, điều bất ngờ, bà con chòm xóm thấy anh về, ai cũng mừng rỡ, nhiều người còn rờ nắn khắp anh ngỡ ngàng: “Nhị ơi, mi về thiệt đấy à... Con về thiệt hả Nhị, mi còn sống thiệt hả Nhị...?”. Bước chân nhà nhỏ giữa thôn quê, ba anh là ông Nguyễn Cân, cùng mẹ anh-bà Lê Thị Hương  ôm lấy anh nước mắt lưng tròng, chỉ lên bàn thờ có tấm hình của một người lính: “Con về thiệt hả Nhị, không phải con đã chết chứ Nhị...!?”. Thì ra hơn 2 năm qua, anh Nhị nhận nhiệm vụ đặc biệt ở Lào, phần vì không được phép viết thư từ, liên lạc gì với gia đình, địa phương, bạn bè, phần vì nơi làm nhiệm vụ địa hình rừng núi xa xôi, cách trở, nên tin tức về anh không một ai hay biết. Ở nhà, ba mẹ, các anh chị em lên xã, lên huyện hỏi thăm, rồi tìm cả những người đã nhập ngũ cùng đợt anh Nhị,  nhưng không nhận được bất cứ thông tin gì. Gia đình, rồi cả thôn, cả xã cứ đinh ninh, vậy là anh Nhị đã hy sinh, chỉ còn chờ ngày nhận giấy báo tử nữa thôi, mọi người đã lập bàn thờ cho anh trong ngày anh đang làm nhiệm vụ đặc biệt ấy.

Trở về địa phương sau khi làm thủ tục xuất ngũ với chính quyền H. Hòa Vang, anh được ngành Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), xét tuyển vào công tác tại Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, rồi chuyển qua Hạt Kiểm lâm Nam Giang, Quảng Nam. Anh Nhị bảo, anh đã có một quãng đời quân ngũ đầy kỷ niệm, gắn bó với núi rừng, mấy chục năm qua, anh lại gắn bó với rừng núi với nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm lâm. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, ngày 27-7 này, anh muốn qua câu chuyện nhỏ này, ôn lại những kỷ niệm quãng đời quân ngũ, tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã hy sinh trong những năm tháng chiến đấu khốc liệt.

HỒNG THANH