Thông điệp lễ hội Yến sào Khánh Hòa 2019: "Hãy bảo vệ đàn chim yến"
Tại Đảo Yến Hòn Nội, Cty TNHH nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa vừa tổ chức lễ hội Yến sào 2019. Đây là lễ giỗ tổ ngành Yến sào Khánh Hòa được lưu truyền qua 691 năm và kể từ năm 2011 giỗ tổ ngành Yến sào Khánh Hòa được tổ chức thường xuyên.
Quang cảnh lễ hội Yến sào. |
Theo sử sách năm 1328, đề đốc thủy quân Lê Văn Đạt trong chuyến công cán phương Nam đã phát hiện các hòn đảo ngoài khơi Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay) có rất nhiều tổ Yến. Ông đã cho thành lập đội quân bảo vệ khai thác và được suy tôn là thủy tổ của nghề Yến sào. Đến thời Tây Sơn, An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và con gái Lê Thị Huyền Trâm được giao tổng quản các đảo Yến trong vùng. Năm 1793, trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền và các đảo Yến đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm và cha đã hy sinh. Bà Lê Thị Huyền Trâm được dựng tượng thờ trên đảo Yến Hòn Nội.
Nghi lễ giỗ tổ Yến sào theo tập tục của người dân biển, gồm rước bài vị bà tổ ngành, lễ dâng hương tại nhà thờ tổ. Những năm sau này, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống được diễn ra như hát quan họ, ca múa, chèo thuyền, các chương trình giới thiệu gian hàng, sản phẩm yến đặc. Chương trình này giúp quảng bá giới thiệu với du khách về nghề nuôi và chế biến chim Yến. Ngoài ra, lễ hội yến sào còn giới thiệu cho du khách biết nhiều hơn về độ hiểm nguy, rủi ro vì người nuôi luôn phải treo mình trên vách đá chênh vênh để thu tổ yến, qua đó du khách sẽ trân quý hơn "món quà thiên nhiên này".
Trong phát biểu nhân ngày giỗ tổ Yến sào, ông Lê Hữu Hoàng- Chủ tịch HĐTV Cty Yến Sào Khánh Hòa nhấn mạnh việc bảo vệ đàn Yến tại các hang Yến khu vực tỉnh Khánh Hòa là cần thiết. Ông nói:: "Không phải một cá nhân, không chỉ công ty Yến Sào, mà mỗi người trong chúng ta cần ý thức, bảo vệ và không tàn phá môi trường sinh sống của đàn chim Yến". Hiện Cty này đang quản lý 33 đảo Yến lớn nhỏ ngoài khơi biển Khánh Hòa. Hòn Ngoại, Hòn Nội, Hòn Sam là ba hòn đảo có sản lượng Yến sào thu hoạch lớn nhất. Có hàng triệu con chim Yến sinh sống trên các đảo, mờ sáng bay xa hàng chục cây số vào bờ kiếm ăn, chủ yếu là sâu bọ côn trùng. Nhưng trước sự tàn phá môi trường, phá rừng, môi trường kiếm sống của đàn Yến đảo trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, việc xâm hại đến đàn chim Yến đang sinh sống từ thiên nhiên có thể làm giảm đi số lượng yến tự nhiên.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG