Thông điệp ở biển Đen
Hải quân Mỹ đang tăng cường sự hiện diện trên biển Đen trong nỗ lực được đánh giá là nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Nga.
Hồi cuối tuần qua, tàu USS Ross - một tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã đi qua Eo biển Bosporus và tiến vào biển Đen để “thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải”, theo tuyên bố của Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ, lực lượng điều hành các hoạt động hải quân của Mỹ trong khu vực.
Được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và một loạt vũ khí chống tàu ngầm cũng như đất đối không, tàu khu trục USS Ross được cho là sẽ đẩy mạnh hoạt động tuần tra của NATO tại biển Đen, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Nga đang căng thẳng. Đây là lần đầu tiên 2 tàu chiến Hải quân Mỹ cùng hoạt động tại biển Đen kể từ tháng 7-2017. Một quan chức quân đội Mỹ nhấn mạnh, quyết định triển khai cả hai tàu Carney và Ross ở biển Đen là một phần của nỗ lực “làm giảm bớt vị thế của Nga” ở biển Đen.
Tất nhiên, Nga không thể ngồi yên trước động thái này của Mỹ. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố một tàu khu trục nhỏ của Nga, Đô Đốc Essen và hai tàu tuần tra đã tiến vào biển Đen để tham gia diễn tập quân sự. Moscow thật sự rất nhạy cảm với các hoạt động quân sự của Mỹ ở biển Đen – khu vực vốn nằm giữa Đông Âu, Caucasus và Tây Á. Đó là lý do giải thích tại sao máy bay Nga thường rất lo ngại với các vụ vi phạm không phận của Mỹ trong khu vực này và buộc phải thực hiện các vụ đánh chặn máy bay do thám của Mỹ.
Trong vụ việc mới nhất, hồi cuối tháng 1, các phương tiện giám sát không phận trên các khu mặt nước trung lập của Nga ở biển Đen phát hiện một mục tiêu không xác định trên không đang bay tới gần không phận của nước này. Không quân Nga lập tức điều máy bay tiêm kích Su-27 tới chặn mục tiêu và nhận diện đây là máy bay do thám EP-3E “Aries II” của Hải quân Mỹ. Sau đó, máy bay Hải quân Mỹ đã thay đổi hướng bay đi ra xa không phận của Nga.
Thực tế, khu vực này ngày càng trở nên đầy căng thẳng khi cả Nga và Mỹ đều nỗ lực tăng cường lực lượng quân sự, nhất là kể từ sau vụ Crimea sáp nhập về với Moscow từ năm 2014. Cả hai cũng nhiều lần “khẩu chiến” gay gắt về các vụ vi phạm không phận và các vụ đánh chặn như thế này.
THANH VĂN