Thông điệp từ 2 chuyến thăm

Thứ tư, 23/09/2015 06:00

(Cadn.com.vn) - Một người nắm giữ ảnh hưởng tại cộng đồng hơn 1 tỷ tín đồ Công giáo; một người nắm quyền tại quốc gia hơn 1,4 tỷ dân, đó là lý do giải thích vì sao chuyến thăm đến Mỹ lần này của Giáo hoàng Francis và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại được chú ý đến như vậy.

Giáo hoàng Francis đã đến Washington hôm 22-9 trong chuyến thăm đánh dấu bước ngoặt lịch sử, bởi những người tiền nhiệm gần đây của ông chưa từng đến quốc gia này.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Washington vào ngày 24-9 (ông Tập đến Mỹ hôm 22-9 nhưng bắt đầu chặng dừng đầu tiên tại Seattle, chứ không phải Washington) trong bối cảnh Nhà Trắng ngày càng bất an về tham vọng chiến lược của Trung Quốc ở Châu Á, nhất là tại biển Đông.

Mỹ thắt chặt an ninh tuyệt đối khi đón Giáo hoàng Francis. Ảnh: Reuters

Mỹ đón Giáo hoàng Francis, Chủ tịch Trung Quốc như thế nào?

Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, cả hai chuyến thăm ngập tràn sự kết hợp hào nhoáng giữa chính trị và chính sách - nhưng nhằm mục đích rất khác nhau.

Chính quyền Washington đang háo hức nhờ ảnh hưởng của Giáo hoàng Francis để củng cố chương trình nghị sự trong các lĩnh vực như xuất nhập cảnh, biến đổi khí hậu và cải cách tư pháp, nhất là vấn đề hôn nhân đồng tính. Trong khi đó, với Chủ tịch Trung Quốc, Nhà Trắng muốn nhắn gửi rằng: “Bắc Kinh hãy từ bỏ những hành vi khiêu khích về an ninh mạng, an ninh hàng hải, nhất là tuyên bố chủ quyền vô lý ở biển Đông”.

Ngay cả tính chất hai cuộc gặp thượng đỉnh cũng tương phản. Trong khi thời điểm Giáo hoàng đến Washington được đánh dấu bởi đám đông người dân ủng hộ ở bên ngoài, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ gặp gỡ giới tinh hoa Beltway đằng sau cánh cửa đóng kín. Các sử gia tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao tin rằng, đây là lần đầu tiên, hai chuyến thăm chính thức quan trọng như thế này diễn ra cùng lúc tại Mỹ, kể từ khi Vatican được công nhận là một quốc gia độc lập. Nhưng thời gian để thực hiện chuyến đi không phải là một sự trùng hợp. Bởi lẽ, cả Giáo hoàng Francis và Chủ tịch Tập đều có lịch trình tham dự phiên họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 70 tại New York sau khi đến Washington.

Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh, Giáo hoàng không phải là một nhà lãnh đạo chính trị và vì thế không có việc công bố các thỏa thuận sau cuộc họp. Nhưng Giáo hoàng sẽ nhấn mạnh các vấn đề mà người Mỹ quan tâm và Nhà Trắng ưu tiên, bao gồm nghèo đói và bất bình đẳng đang gia tăng.

Tôn giáo và chính trị

Vị thế và tầm ảnh hưởng của Giáo hoàng Francis được đánh giá là “vượt ra thể chế Công giáo”. Vì vậy, bài phát biểu của Giáo hoàng trước Quốc hội Mỹ vào ngày mai (24-9), đang rất được người dân nước này chờ đợi. Charlie Kupchan, Giám đốc cấp cao về các vấn đề Châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, chính quyền Obama đã làm việc đằng sau hậu trường để dàn xếp một kết quả “nhằm đảm bảo có giá trị lâu dài” giữa hai bên.

Trong khi đó, Mỹ đã và đang đàm phán với Trung Quốc để đạt được những thỏa thuận cụ thể. Nhưng trái ngược với không khí hân hoan của cuộc gặp vào năm 2014, khi ông Obama và ông Tập đạt thỏa thuận khí hậu bước ngoặt, lần này, hai bên dường như khó có thể đi đến bất kỳ bước đột phá đáng kể nào. Trong những tuần gần đây, Nhà Trắng ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ chưa từng có nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng lợi từ các vụ đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Những động thái vô lý của Bắc Kinh ở biển Đông cũng khiến quan hệ hai bên căng thẳng hơn nữa.

Nhà Trắng coi trọng sự hợp tác của Bắc Kinh về vấn đề biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhưng không khí trên Đồi Capitol vẫn u ám khi các chuyên gia cảnh báo, Tổng thống Obama đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc áp dụng một chính sách cứng rắn hơn nữa đối với Bắc Kinh.

Khả Anh

Trung Quốc  điều tra một  phụ nữ Mỹ nghi làm gián điệp

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22-9 tuyên bố đang điều tra một phụ nữ Mỹ bị tình nghi làm gián điệp.

Theo Reuters, người phụ nữ này tên Sandy Phan-Gillis, người Mỹ gốc Trung Quốc, đã bị bắt hôm 19-3. Hiện bà bị Trung Quốc tạm giữ trong khoảng 6 tháng với cáo buộc làm gián điệp và ăn cắp bí mật nhà nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, cho đến giữa tháng 9-2015, Bắc Kinh cho phép bà Phan-Gillies gặp lãnh sự Mỹ 6 lần trong tình trạng sức khỏe rất tốt. Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận gì về việc này. Trong khi đó, chồng bà, ông Jeff Gillis bác bỏ những cáo buộc của phía Trung Quốc.