Thông điệp từ nước Nga
Trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống lần này, ông Vladimir Putin nhấn mạnh một chính sách đối ngoại cứng rắn sau khi kêu gọi người dân Nga đứng lên đối mặt với những thách thức toàn cầu.
Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội hôm 1-3. Ảnh: Sputnik |
Ngày 1-3, vào lúc 12 giờ (giờ Moscow), Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang trước hai viện của Quốc hội, bản thông điệp cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 của ông Putin.
Sức mạnh vũ khí mới
Trong bài diễn văn được chú ý nhất trong nhiều năm qua, Tổng thống Putin đã tiết lộ hàng loạt vũ khí hạt nhân mới của Nga, nhấn mạnh, các loại vũ khí này có thể tấn công bất kỳ điểm nào trên thế giới và không bị đánh chặn.
Ngoài ra, theo Sputnik, ông Putin cũng tiết lộ Nga đang phát triển đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ có thể được gắn vào các tên lửa hành trình. Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, hệ thống vũ khí siêu thanh mới đã được triển khai tại miền Nam đất nước từ ngày 1-12-2017. Nga cũng đã phát triển một đầu đạn có khả năng bay lượn và siêu thanh, mang tên “Avangard” (Tiên phong). Theo ông Putin, đầu đạn lượn này có thể đạt tới tốc độ Mach-20 (gấp 20 lần tốc độc âm thanh) và có khả năng bay lượn linh hoạt, khiến nó vượt qua được mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có trên thế giới. “Nó như một quả cầu lửa bám chặt vào mục tiêu”, Tổng thống Putin giải thích. Trong đoạn băng trình diễn bằng đồ họa vi tính nhằm giữ bí mật về hình dạng thực sự của vũ khí, đầu đạn này đã “luồn lách” qua các hệ thống phòng thủ tên lửa và thể hiện tầm bay không giới hạn. Ông Putin khẳng định vũ khí này hoạt động hiệu quả và đang được sản xuất hàng loạt. Nhà lãnh đạo quyền lực này sau đó công bố một tên lửa siêu thanh “Kinzhal” (Đoản kiếm) được phóng từ máy bay, có tốc độ Mach-10 và có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Hai hệ thống vũ khí mới chưa có tên cũng được công bố.
Tổng thống Nga kết thúc phần công bố sức mạnh vũ khí mới bằng việc công bố Nga sở hữu các hệ thống vũ khí laser có thể hoạt động. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng còn quá sớm để nói chi tiết về loại vũ khí này.
Chính sách đối ngoại cứng rắn
Để trấn an các nước phương Tây, Tổng thống Putin khẳng định, Nga xây dựng sức mạnh quân sự là nhằm duy trì hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, ông tuyên bố bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào nhằm vào Nga hoặc các đồng minh của nước này sẽ bị Moscow coi là một cuộc tấn công hạt nhân và sẽ bị đáp trả ngay lập tức.
Và trong bài phát biểu này, ông Putin đưa ra cảnh báo cứng rắn nhằm vào Mỹ. Nhà lãnh đạo này tuyên bố, năng lực răn đe chiến lược được tăng cường mạnh mẽ của Nga khiến tất cả các nỗ lực của Mỹ nhằm giành ưu thế tuyệt đối về quân sự trở nên vô ích. Tổng thống Putin khuyên Mỹ nên xem xét lại lập trường của mình, cho về hưu những thành phần hiếu chiến và ngừng làm nguy hiểm cả hành tinh này vì tham vọng cá nhân. Tổng thống Putin cũng tiết lộ, tất cả các đề xuất cùng phối hợp làm việc của Nga đã bị phía Mỹ bác bỏ. Theo đó, Moscow từng thuyết phục Washington không vi phạm hiệp ước về phòng thủ tên lửa, nhưng bất thành.
Nhưng ông cũng “mở đường lớn” cho Washington khi tuyên bố nếu Mỹ cũng như Châu Âu muốn tìm kiếm mối quan hệ đối tác bình đẳng thì Moscow chắc chắn sẽ đáp lời. Kết thúc thông điệp liên bang, Tổng thống Putin tuyên bố: “Thời đại này dành cho những người sẵn sàng thay đổi”.
Tổng thống Putin đã cam kết những gì?
Trong Thông điệp lần này, ông Putin hướng đến các chính sách ở trong nước đồng thời nhấn mạnh chính sách đối ngoại cứng rắn như một kiểu của cam kết tranh cử cho nhiệm kỳ tới.
Đó là lý do vì sao phần đầu của bài phát biểu được dành riêng cho vấn đề việc làm của người Nga và những mối quan tâm của họ. Ông chủ Điện Kremlin đã cam kết cắt giảm tỷ lệ đói nghèo trong nước trong vòng 6 năm tới, tăng việc làm và mong muốn đưa Nga vào danh sách những nước có tuổi thọ trung bình của người dân trên 80 như Pháp, Nhật và Đức. Tổng thống Putin đặt ra mục tiêu tăng GDP lên 1,5 lần vào cuối thập kỷ này. Ông cũng cam kết dành nhiều ngân sách hơn cho hệ thống giao thông công cộng và giảm tai nạn. Ông tuyên bố, các giáo viên xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn và người dân vùng sâu vùng xa cần được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói về kế hoạch tiếp tục phát triển ở khu vực Viễn Đông, trong đó, cây cầu qua eo biển Kerch nối Crimea và đất liền Nga sẽ được thông xe vào năm tới.
Ông Putin cũng dành phần lớn của thông điệp liên bang để nói về cách mạng công nghệ. Theo ông, chiến lược phát triển kỹ thuật số cũng rất cần thiết và mong muốn đưa Nga trở thành một trong những trung tâm chính lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (big data) của thế giới. Ông nói rằng, Moscow cần thu hút những tài năng công nghệ và người nước ngoài nên được khuyến khích nghiên cứu ở Nga.
Tổng thống Putin - ứng viên giành tỷ lệ ủng hộ cao nhất của cử tri - không tham gia các cuộc tranh luận trên truyền thông trong chiến dịch tranh cử lần này. Thay vào đó, ông muốn công bố chương trình và thông điệp tranh cử trong bản thông điệp liên bang hàng năm này. Vì vậy, bản thông điệp lần này có sức hút đặc biệt đối với người dân Xứ sở Bạch Dương, cũng như dư luận quốc tế, khi nó được coi là cương lĩnh tranh cử của nhà lãnh đạo Nga trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 18-3 tới.
KHẢ ANH