Thông tin tiếp theo vụ bắt giữ các đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí tống tiền doanh nghiệp: Thẻ nhà báo và thẻ hội viên Hội Nhà báo đã hết hạn sử dụng

Thứ sáu, 07/08/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã đưa, trong ngày 4-8, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai bắt giữ Lê Hải và Lê Xuân Hải - hai đối tượng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền 500 triệu đồng đối với ông Đoàn Đức Lập - Giám đốc Cty TNHH Vận tải ô-tô Gia Lai (Cty VTGL). Sau hơn 24 giờ khẩn trương điều tra xác minh, thông tin ban đầu cho thấy thẻ nhà báo và thẻ hội viên Hội Nhà báo của các đối tượng đã hết hạn sử dụng.

Theo lời khai bước đầu của Lê Hải, tháng 6-2009, ông Nguyễn Viết Sinh, ở Báo Kinh tế Nông thôn có cung cấp cho ông Phạm Hồng Châu (1963) công tác tại Báo Kinh tế Hợp tác Việt Nam (KT&HTVN) biết một số thông tin về Trung tâm Sát hạch Lái xe (TTSHLX) loại 2 thuộc Cty VTGL. Theo Hải, TT này có biểu hiện sai phạm trong việc trốn thuế, kinh doanh xây dựng trước khi được cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Sau đó, Phạm Hồng Châu rủ Lê Xuân Hải (1963 - Lê Xuân Hải tự khai là Phó Trưởng phòng P.V Báo KT&HTVN tại TPHCM) cùng Lê Hải từ TPHCM lên Gia Lai nắm tình hình để viết bài. Lúc này, Lê Hải đã thôi việc tại Báo KT&HTVN nên cùng về thăm nhà tại TP Pleiku và giới thiệu Phạm Hồng Châu và Lê Xuân Hải làm quen một số đơn vị, cá nhân để cung cấp thông tin liên quan vấn đề trên. Đồng thời, cả 3 người đã đến làm việc với lãnh đạo một số cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai và TP Pleiku để điều tra thêm về hoạt động của Cty VTGL. Sau đó, họ quay trở về TPHCM, Lê Xuân Hải và Phạm Hồng Châu thống nhất viết một bài (đã gửi đăng báo) và đang gửi tiếp một bài cho Báo Pháp luật về những sai phạm tại Cty của ông Lập (về hợp đồng thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, không kê khai thuế, xây dựng trung tâm sát hạch chưa được cấp phép...).

Tang vật được CQĐT thu giữ. 

Sau khi báo phát hành, ông Lập điện thoại cho Lê Xuân Hải đề nghị không viết tiếp những thông tin về Cty và hứa sẽ chi tiền. Do quen biết từ trước nên ông Lập cùng nhờ Lê Hải can thiệp giúp. Sáng 3-8, Lê Hải lên Gia Lai và đến nhà Lê Xuân Hải (số 62-Thống Nhất, P. Ia Kring, TP Pleiku) trao đổi về việc trên. Lê Hải được giao làm trung gian để thống nhất việc ông Lập đưa số tiền 500 triệu đồng cho Lê Xuân Hải ngay trong tuần. Lê Hải cũng khai rõ việc trực tiếp xuống gặp ông Lập, liên lạc qua điện thoại và đến sáng 4-8 thì ông Lập điện báo cho Lê Xuân Hải hẹn chiều sẽ đưa trước 100 triệu đồng, số còn lại sẽ giải quyết trong tuần sau. Lúc 14 giờ cùng ngày, khi Lê Hải vừa nhận 100 triệu đồng từ ông Lập thì bị lực lượng CA ập vào bắt quả tang.

Từ những chứng cứ thu thập được cùng với lời khai của Lê Hải, đến 22 giờ ngày 4-8, CQĐT CA tỉnh Gia Lai thi hành lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở đối với Lê Xuân Hải. Tại CQĐT, Lê Xuân Hải cũng khai nhận, sáng 4-8, đang uống cà-phê cùng Lê Hải thì được ông Lập điện thoại năn nỉ xin đừng viết thêm gì nữa và nói sẽ chi 500 triệu đồng, nhưng vì chưa chuẩn bị kịp nên đưa trước 100 triệu đồng, còn lại trong 10 ngày tới sẽ mang vào TPHCM đưa đủ. Tuy nhiên, Lê Xuân Hải không đồng ý vì bài  thứ 2 đã viết xong, có thể báo sắp ra. Sau đó, Lê Xuân Hải trao đổi lại với Lê Hải về vụ việc này.

 Lê Xuân Hải

Ngoài số tiền tang vật thu giữ tại chỗ, CQĐT lập biên bản một số giấy tờ liên quan cùng thẻ nhà báo, thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam của Lê Hải, Lê Xuân Hải. Tất cả các thẻ nhà báo, thẻ hội viên đều đã hết hạn sử dụng (thẻ nhà báo của Lê Hải được cấp từ năm 1991 (lúc đó Hải đang công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai). Ngoài ra, Lê Xuân Hải còn có giấy giới thiệu, giấy công lệnh do ông Lê Công Bình - Tổng Biên tập, Giám đốc Chi nhánh Báo KT&HTVN tại TPHCM ký giới thiệu đến liên hệ công tác tại các ban, ngành ở Gia Lai từ 28-7 đến 18-8-2009.

Ngay sau khi Lê Hải bị bắt quả tang, Phạm Hồng Châu và Nguyễn Thị Phương Thảo (1978, Thảo khai vừa chuyển từ Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định về Báo KT&HTVN) từ TPHCM đến TP Pleiku bằng ô-tô BKS 52P-1270 đang có mặt tại nhà Lê Xuân Hải cũng đã được CQĐT CA tỉnh triệu tập làm việc. Theo tường trình của Châu, cùng đi trên xe còn có ông Phạm Viết Sinh, nhưng lúc đó ông Sinh đang nghỉ tại khách sạn Pleiku.

Hiện CQĐT đang tiếp tục đấu tranh làm rõ vụ án và mở rộng đến các đối tượng liên quan khác để có kết luận chính thức.

Hôm qua, ngày 6-8, chúng tôi nhận được Công văn số 388/CV-KTNT của Báo Kinh tế nông thôn báo cáo sự việc như sau:

“Ông Lê Hải trước đây là P.V của Báo Kinh tế nông thôn (KTNT - công tác tại Văn phòng đại diện phía Nam đặt tại TPHCM). Tuy nhiên, trong thời gian công tác tại Báo, ông Lê Hải không hoàn thành nhiệm vụ nên Ban Biên tập Báo KTNT đã cho nghỉ việc từ ngày 1-8-2007.

Trên các số báo KTNT cuối tuần số 31, 32 (từ ngày 4 đến 17-8-2007), đã đăng thông báo công khai trên trang 11 với nội dung sau: Từ ngày 1-8-2007, đồng chí Lê Hải không còn làm việc tại Văn phòng đại diện phía Nam - Báo KTNT. Mọi giấy tờ liên quan do đồng chí Lê Hải ký và các giấy tờ của Báo KTNT cấp cho đồng chí Lê Hải không còn giá trị từ 1-8-2007. Do sơ suất, đồng chí Lê Hải đã đánh mất Thẻ hội viên số 02956 do Hội Nhà báo Việt Nam cấp, ai nhặt được xin gửi về Báo KTNT, 57-Hàng Chuối, Hà Nội, Ban Biên tập xin chân thành cảm ơn”.

Với thông tin các báo ra ngày 5-8-2009 nêu ông Lê Hải có thẻ nhà báo, Báo KTNT báo cáo như sau: Báo KTNT chưa bao giờ làm thủ tục đề nghị Cục Báo chí (Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp Thẻ Nhà báo cho ông Lê Hải”.

 

Bài, ảnh: Minh Thành