Thông tư 30 bộc lộ nhiều bất cập

Thứ sáu, 17/06/2016 10:54

(Cadn.com.vn) - Sau 2 năm thực hiện đại trà Thông tư 30 về bỏ cho điểm học sinh tiểu học, một chủ trương được đánh giá đầy tính nhân văn lúc mới ra đời, giờ đang bộc lộ nhiều bất cập, mà rõ nhất đó là giáo viên vất vả hơn, còn học sinh thì lười học hơn.

Giáo viên làm không xuể việc

Theo lời nhiều giáo viên tiểu học, việc bỏ cho điểm, chuyển qua đánh giá là gánh nặng với giáo viên, nhất là các giáo viên bộ môn. Vì những môn như âm nhạc, thể dục, mỹ thuật, kỹ thuật... chỉ dạy có 1 tiết cho 1 lớp trong tuần, các giáo viên phải dạy đủ chuẩn 23 tiết/tuần tương đương với 23 lớp, đương nhiên phải nhận xét hàng ngàn lượt trong vòng một tháng thì quả là một áp lực lớn! Chỉ cần lấy trung bình một giáo viên chuyên dạy 17 lớp/tuần, mỗi lớp bình quân 40 học sinh, ta có phép tính: 40 em x 17 lớp = 680 HS, yêu cầu đánh giá 3 tiêu chí: kiến thức kỹ năng, năng lực, phẩm chất thì 680 HS x 3 tiêu chí = 2.040 câu nhận xét trong tháng. Quả là ôm không xuể!

Mặc dù Thông tư 30 cho phép đánh giá miệng nhưng chuyện này cũng mơ hồ, do đó viết nhận xét là chuyện phải làm. "Một giáo viên bộ môn dạy từ vài trăm học sinh trở lên thì tên tuổi, mặt mũi các em có khi còn chưa nắm rõ, lấy đâu mà biết để đánh giá năng lực, phẩm chất một cách hoàn chỉnh?", cô Lê Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) băn khoăn.

Làm không xuể, vất vả, kém hiệu quả là tâm trạng chung của nhiều giáo viên tiểu học trên toàn quốc. Có đến 95% giáo viên khi được khảo sát kêu vất vả hơn vì Thông tư 30.

Thông tư 30 đang bộc lộ nhiều bất cập (ảnh minh họa). Ảnh: VOV

Học sinh lười học

Mới đây, ngày 20-5 tại Hà Nội, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam công bố kết quả khảo sát thực trạng thực hiện Thông tư 30/2014/BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học khiến nhiều người giật mình. Trong đó, gần 64% giáo viên cho biết học sinh lười học hơn sau khi áp dụng Thông tư 30.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều cách khác nhau như: phỏng vấn trực tiếp, qua phiếu hỏi hoặc tọa đàm. Trong đó, mỗi tỉnh, nhóm phỏng vấn 10 trường (5 trường ở thành phố và 5 trường ở nông thôn). Các phiếu hỏi được đưa ra với 20 câu với nhiều khía cạnh của Thông tư 30.

Qua khảo sát cho thấy, sau khi áp dụng Thông tư 30, giáo viên vất vả hơn nhiều so với trước đây, nhất là giáo viên vùng nông thôn do mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Đồng thời họ cũng gặp khó khăn khi thực hiện xét khen thưởng cuối kỳ và cuối năm học. Cha mẹ học sinh ít quan tâm đến việc học của con cái hơn vì hàng ngày không nhận được các bằng chứng điểm số về kết quả học tập.

Về phía học sinh, các em không bị áp lực điểm số nên thoải mái hơn, tự tin hơn, chủ động hơn nhưng không chăm học như trước và thiếu động lực học tập.

Đặc biệt, trả lời câu hỏi: "Thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, có khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập không"? Có 63,6% số giáo viên được khảo sát trả lời là "không".

Với câu hỏi: "Sau một thời gian thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, tinh thần học tập của học sinh như thế nào"? Có 64% giáo viên cho rằng học sinh lười học hơn trước.

Vì vậy, nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn được quay trở lại đánh giá cho điểm như trước. Trong khi đó, đối với cán bộ quản lý đều ủng hộ chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT, cần tiếp tục thực hiện Thông tư 30. Đáng chú ý, tại Hội nghị góp ý về Thông tư 30, nhiều chuyên gia giáo dục cũng đồng tình chủ trương đổi mới này. Ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT đánh giá điểm tích cực của Thông tư 30 ở khía cạnh nhân văn là tăng cường nhận xét, khích lệ học sinh, theo dõi, đánh giá học sinh trong cả quá trình tiến bộ. Theo ông Hào, việc đổi mới đánh giá đối với học sinh phổ thông là rất cần thiết. Phương pháp đánh giá cũ chưa toàn diện, lớt phớt, tạo không khí nặng nề. Tuy nhiên, chạm đến giáo dục là vấn đề rất nhạy cảm nên phải thận trọng và lắng nghe dư luận. Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng Thông tư 30 là nhân văn, giảm áp lực căng thẳng không cần thiết cho học sinh.

 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và nhận thấy sẽ phải tiếp tục sửa một số nội dung của Thông tư 30 cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Hiện nay, hiểu nhầm lớn nhất trong chỉ đạo và thực hiện là quá coi trọng việc ghi chép nhận xét, trong khi đó một lời nhận xét, động viên, nhắc nhở kịp thời của giáo viên lại quan trọng hơn nhiều đến sự phát triển của HS. Do vậy sắp tới sẽ coi trọng hơn việc góp ý bằng lời cho HS, chỉ ghi nhận xét những điều cần chú ý nhất.

Thu Thủy