Thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao của nhóm trai làng

Thứ năm, 19/12/2019 16:22

Ngày 18-12-2019, Trung tá Nguyễn Quang Trung - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CAH Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết: Cơ quan CSĐT CAH đang điều tra các vụ án hình sự “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do các đối tượng: Nguyễn Văn Ân (1990), Đỗ Văn Điệp (1998), Nguyễn Sỹ Lành (1987), Đinh Công Cường (1995) và Đinh Văn Hà (1996, cùng trú H. Duy Xuyên) thực hiện.

Nhóm đối tượng lừa đảo.

Quá trình điều tra, cơ quan CA xác định các đối tượng đã sử dụng phương thức, thủ đoạn: giả mạo nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tài sản hoặc đăng thông báo bán xe máy, ô-tô giá rẻ để lừa đảo; các đối tượng này thường tự xưng là nhân viên ngân hàng, gọi điện cho các chủ tài khoản bất kỳ để thông báo họ đã may mắn trúng thưởng các chương trình của ngân hàng, hoặc đang có khoản tiền mới chuyển nhưng do lỗi nên bị treo hệ thống, sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp các “mã xác minh”, “mã trúng thưởng”... do ngân hàng gửi về số điện thoại mà khách hàng đăng ký tài khoản (thực chất là mã OTP). Nhiều người thiếu cảnh giác đã nhắn mã OTP theo yêu cầu của đối tượng và chúng lập tức thao tác để đổi mật khẩu truy cập tài khoản ngân hàng, chiếm quyền quản trị của người dùng. Các đối tượng dùng mã OTP do nạn nhân cung cấp để đăng nhập tài khoản Internet Banking và thực hiện các giao dịch rút tiền trong tài khoản của nạn nhân thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng đến các tài khoản ngân hàng của cá nhân kinh doanh thẻ cào, tiền ảo, tiền game..., hoặc nạp tiền vào tài khoản ví điện tử như MoMo, VTCPay...

Về thủ đoạn thông báo bán xe máy, mô-tô giá rẻ, các đối tượng đăng tải thông tin giả rao bán xe thanh lý giá rẻ, không thuế lên các trang mua bán thuộc mạng xã hội facebook, zalo. Khi những người có nhu cầu liên hệ, đối tượng yêu cầu người mua (bị hại) chuyển trước các khoản tiền như: tiền đặt cọc, phí VAT, phí vận chuyển... rồi cắt liên lạc để chiếm đoạt các khoản tiền này.

Chị M. (trú Hà Nội) nhận được điện thoại từ một cô gái tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng, thông báo rằng lệnh chuyển tiền chị M. vừa thực hiện không thành công, yêu cầu chị cung cấp một số thông tin về tài khoản để sửa lỗi giao dịch. Do được đọc đúng số tài khoản nên chị M. không cảnh giác  mà cung cấp đầy đủ thông tin cho cô gái kia. Chỉ một lát sau, tin nhắn trên hệ thống báo đã chuyển 70 triệu đồng từ tài khoản của chị M. vào một tài khoản khác. Biết bị lừa, chị M. vội gọi điện thoại cho ngân hàng yêu cầu khóa khẩn cấp tài khoản nhưng số tiền kia thì đã một đi không trở lại. Anh H. (cũng trú tại Hà Nội) nhận được một cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên hỗ trợ khách hàng của ví điện tử mà anh H. đang sử dụng, yêu cầu anh cung cấp mã OTP để xác nhận tài khoản. Do tin tưởng, anh H. cung cấp OTP cho “nhân viên” và lập tức bị  móc ví hơn 11 triệu đồng.

Bước đầu, cơ quan CA đã xác định: Với thủ đoạn lừa đọc mã OTP, giả mạo nhân viên ngân hàng, Đỗ Văn Điệp đã chiếm đoạt của 2 phụ nữ ở Hà Nội tổng cộng 200 triệu đồng bằng cách chuyển tiền tới tài khoản của Đinh Công Cường, Cường rút tiền đưa cho Điệp và được  hưởng lợi 20% số tiền lừa đảo. Nguyễn Văn Ân chiếm đoạt 40 triệu đồng của 2 phụ nữ ở Nam Định, tổng cộng 40 triệu đồng, ngoài ra còn nhiều bị hại khác. Đinh Văn Hà thông qua facebook, zalo giả  rao bán tiền giả hoặc xe nhập lậu đã thực hiện 40 vụ, chiếm đoạt 40 triệu đồng của những người thiếu hiểu biết, ham rẻ đặt cọc mã thẻ điện thoại và  4 vụ rao bán xe mô-tô nhập lậu giá rẻ, chiếm đoạt 70 triệu đồng. Nguyễn Sỹ Lành thông qua tài khoản zalo “Huỳnh Thanh Tâm” và tài khoản facebook “Văn Tưởng” thực hiện trót lọt 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt được 41 triệu đồng.

Cơ quan công an khuyến cáo, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn, vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác khi thực hiện các giao dịch trên mạng Internet, nhất là những người sử dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử... Người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin về tài khoản ngân hàng,  thông tin ví điện tử của mình cho người khác; cảnh giác khi nhận được bất kỳ cuộc gọi nào yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản, về  mật khẩu OTP... để tránh trở thành “con mồi” cho các đối tượng lừa đảo.

M.HẰNG

Cơ quan CSĐT CAH Duy Xuyên đề nghị ai là bị hại của nhóm đối tượng trên liên hệ CAH Duy Xuyên (địa chỉ: 747-Hùng Vương, thôn Trung Đông, xã Duy Trung, H. Duy Xuyên, Quảng Nam); số điện thoại: 0235.3877611 hoặc 0974.779.225, gặp điều tra viên Phan Nguyên Bình để được hướng dẫn làm thủ tục và giải quyết.