Thu gom rác theo giờ vẫn còn nhiều bất cập
(Cadn.com.vn) - Đề án "Thu gom rác thải theo giờ trên địa bàn TP Đà Nẵng" đã xử lý được nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp cho các tuyến phố cũng như khu dân cư vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần sớm có sự điều chỉnh để giải quyết căn cơ vấn đề rác thải sinh hoạt.
Xuất hiện nhiều bãi rác tạm thời
Thời gian qua, người dân P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê sống trên trục đường Trần Cao Vân hết sức khổ sở vì chỉ trong một đoạn đường ngắn đã tồn tại 3 điểm đặt thùng trung chuyển rác. Các điểm này luôn để đầy rác từ trưa đến chiều tối, nhiều thùng không có nắp đậy, bị hư hỏng rỉ nước, bốc mùi hôi. Ông Tào Hùng, Chủ tịch UBND phường cho biết, đây vốn là nơi tập kết rác để chở đi ngay sau khi các xe ba gác thu gom trong các kiệt hẻm đưa về. Tuy nhiên, công nhân Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê 2 xử lý không kịp khiến rác tồn đọng mỗi lúc một nhiều, trong một thời gian dài. Thậm chí nhiều lúc rác chất đầy qua đêm nhưng không được chở đi. 3 điểm này vô tình giống như những "bãi rác tạm thời", không chỉ là nơi tập kết rác sinh hoạt mà nhiều người còn lợi dụng đổ đất đá, gỗ mục, bao bì. "Nghiêm trọng hơn, một trong 3 điểm nâng rác này lại nằm ngay cổng trường THCS Hoàng Diệu, ảnh hưởng đến sức khỏe các em học sinh. Qua nhiều lần kiến nghị, các bên liên quan đã thống nhất cuối tháng 12-2016 sẽ di chuyển 3 "điểm nóng" này nhưng đến nay vẫn còn đó. Mỗi khi họp, dân chất vấn chúng tôi tối mặt tối mày mà không biết giải thích làm sao", ông Hùng bức xúc.
Điểm nâng rác trên đường Trần Cao Vân biến thành "bãi rác tạm thời". |
Chị Thu-một người dân sống bên cạnh UBND P. Tham Thuận cho hay, mỗi điểm nâng rác họ đặt 4-5 thùng chứa loại 240 lít, trong giờ thu gom thì người dân đưa rác ra bỏ vào xe ba gác do công nhân đẩy vào trong các kiệt hẻm. Sau khi tập kết về đây rác được nâng lên xe để chở về các điểm ép trước khi chở đi xử lý. Các thùng này sẽ được tập trung lại đưa lên vỉa hè để ngày hôm sau tiếp tục chu kỳ cũ. Tuy nhiên, quá trình thu gom, nhiều người không ra bỏ kịp nên xe đi rồi họ lại đưa ra vứt vào thùng, nhiều người ở khu vực khác cũng nghĩ đây là nơi đổ rác nên tiện đường đi làm ghé vào bỏ rác đầy thùng, tràn ra đường. "Rác thì nhiều nhưng công nhân ít, nên họ gần như bị quá tải nếu phải xử lý theo giờ. Anh đứng đó mà xem, khoảng từ trưa đến chiều tối, thậm chí đến đêm khuya, chỗ ni hôi thối không khác gì bãi rác. Chúng tôi chịu hết nổi rồi", chị Thu ngao ngán.
Không riêng gì tại P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê mà một số nơi khác trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các khu vực giáp ranh cũng xuất hiện các "bãi rác tạm thời" do không được thu gom kịp theo giờ. Theo phản ánh của người dân, nếu thực hiện đồng loạt về mặt thời gian, địa điểm, cách thức thì việc thu gom rác theo giờ sẽ xử lý cơ bản các điểm tập trung rác tự phát tại kiệt hẻm, các khu đất trống hoặc trên vỉa hè, mặt tiền các tuyến phố. Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều gia đình có đặc thù công việc như ra khỏi nhà từ sớm, về trễ hoặc làm ca có khi cả tháng trời không một lần gặp được các xe ba gác đi thu gom qua nhà. Vì vậy, khi rác trong nhà nhiều, theo thói quen họ sẽ bỏ vào thùng tại các điểm tập kết rác, thêm lượng rác do người dân vãng lai mang tới sẽ khiến các thùng rác ngoài thời gian thu gom đầy lên rồi tràn ra đường.
Việc thu gom chưa kịp thời, thông tin chưa cụ thể khiến nhiều người dân xem điểm nâng rác này là nơi đổ rác hàng ngày. |
Phải chung tay!
Ông Đặng Đức Vũ - Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, về cơ bản chủ trương thu gom rác theo giờ được chính quyền và người dân đồng tình, ủng hộ. Từ đó bộ mặt phố phường rất sạch đẹp vào mỗi buổi sáng, rác tồn đọng trong các khu dân cư cơ bản không còn. Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực hiện đề án cũng đã gặp phải một số khó khăn nhất định. Theo ông: "Trước đây công nhân họ làm cả ngày nên thong thả, việc điều phối nhân lực, phương tiện, địa bàn cũng dễ dàng hơn. Nay để đổi được hình ảnh sạch đẹp trên đường phố vào đầu mỗi ngày, chúng tôi phải làm việc với cường độ cao trong một thời gian ngắn. Chắc chắn chủ trương nào khi mới thực hiện cũng sẽ đối mặt với những khó khăn. Chúng tôi đang cố gắng cùng chính quyền và người dân thích ứng dần để mọi việc tốt lên".
Ông Vũ cho biết thêm, việc thực hiện thu gom rác theo giờ trong bối cảnh phương tiện đã quá cũ kỹ, kiệt hẻm không đồng bộ, số lượng điểm nâng rác, trạm trung chuyển quá ít cũng là những trở ngại không hề nhỏ. Bên cạnh đó, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về thời gian thu góm rác chưa được đồng bộ, triệt để nên vẫn còn tình trạng người dân đổ rác trước và sau giờ có xe thu gom tới tận nhà. Một điều hết sức quan trọng nữa chính là thói quen, ý thức sinh hoạt của một bộ phận người dân chưa được nâng cao. Khi công nhân đi thu gom rác thì nhiều người vì lý do nào đó không mang ra đổ, đến khi xe đi qua thì mới mang ra các thùng công cộng, nhiều người không có thói quen sử dụng thùng chứa mà vứt từng bịch trên nền đất. "Là nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ từng bước thực hiện bằng được. Nếu phát hiện công nhân có sai sót, tắc trách xin báo về để chúng tôi xử lý nghiêm. Nhưng một mình công nhân môi trường đô thị sẽ không bao giờ làm nổi. Chúng tôi chỉ cần 2 điều thôi, là người dân hãy đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định. Phần còn lại chúng tôi sẽ làm. Chủ trương nào cũng thế, rất cần sự ủng hộ, đồng hành của người dân và sự tham gia của chính quyền", ông Vũ cho hay.
Trước những bức xúc của nhân dân như tại P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê, ông Vũ cho biết sẽ chỉ đạo công nhân thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển kịp thời, không để tồn tại các điểm tập kết rác tự phát, rác thải không được lưu cữu qua đêm trong khu vực đô thị. Các xí nghiệp môi trường sẽ đảm bảo việc vệ sinh, đặt thùng theo giờ tại các tuyến đường đã triển khai trên địa bàn đủ số lượng và đúng thời gian theo quy định.
Công Khanh
Chưa di chuyển vì quận chưa duyệt kinh phí? Khi được hỏi vì sao các bên liên quan đã yêu cầu thời điểm cuối cùng hoàn thành di dời 3 điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn P. Tam Thuận là 30-12-2016 nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành, ông Phạm Phúc Ánh - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê 2 giải thích là phường và quận đã thống nhất địa điểm di dời nhưng chưa được duyệt kinh phí. Mặt khác, địa điểm di dời tại đường Nguyễn Tất Thành cũng chưa đáp ứng được điều kiện đảm bảo môi trường. "Để di dời 3 điểm này, phường phải chỉ cho mình địa điểm, quận phải hỗ trợ cho mình phương tiện che chắn nhưng quận chưa chi tiền. Tóm lại là quận và phường vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện nên chưa thể di dời. Khi nào quận hoàn thành việc làm điểm che chắn thì chúng tôi sẽ dời ra", ông Ánh nói. |