Thu nhập bình quân đầu người ở thành thị cao gấp gần 1,6 lần nông thôn

Thứ bảy, 29/05/2021 14:17

Tổng cục Thống kê vừa công báo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Thu nhập bình quân một người/tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,230 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân một người/tháng chung cả nước tăng bình quân 8,1%. Trong đó, thu nhập bình quân một người/tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,538 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,480 triệu đồng). Nhóm hộ giàu nhất có thu nhập năm 2020 bình quân 9,108 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất với mức thu nhập đạt 1,139 triệu đồng/người/tháng. Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Đông Nam Bộ với mức 6, 023 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc với mức 2,745 triệu đồng/người/tháng. Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,3%; thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%; thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%; thu khác chiếm 10,6%.

"Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn; trong đó, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng. Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm và kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm", Tổng cục Thống kê chỉ ra.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ, đứng đầu cả nước là tỉnh Bình Dương với mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 7 triệu đồng/tháng. Tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh đạt 6,537 triệu đồng/người/tháng; thành phố Hà Nội đạt 5,981 triệu đồng/người/tháng. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 gặp không ít khó khăn, thách thức do vừa phải chống dịch vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết.

T. HIỀN