Thu nhập ngân hàng: Đỉnh cao & vực sâu!

Thứ bảy, 24/08/2013 00:22

(Cadn.com.vn) - Suy giảm kinh tế có thể tạo ra kẻ thắng, người thua. Thế nhưng, đối với ngân hàng (NH), thời kỳ lợi nhuận cao nhất đã thuộc về quá khứ. Thu nhập của các nhân viên NH đang đối mặt với một tương lai đầy bấp bênh. Làn sóng tín dụng bùng nổ của những năm trước đã để lại nhiều “di chứng” nặng nề khiến lợi nhuận của các nhà băng ngày càng giảm sút.

Thời hoàng kim

Người ta không thể phủ nhận một thời “ăn nên, làm ra” của giới NH. Thu nhập của nhân viên nhà băng tỷ lệ thuận với đà tăng của tín dụng cùng với “bong bóng” bất động sản. Cho vay nhiều, lãi suất cao, thu hồi vốn nhanh khiến cho lợi nhuận NH lúc bấy giờ luôn đứng trên đỉnh cao mà bất cứ một ngành kinh doanh nào cũng phải ngước nhìn. Bởi thế, rất nhiều TCTD được thành lập, kéo theo hàng loạt chi nhánh NH khai trương ở khắp nơi. Trong 8 năm thịnh vượng đó (1991-2009), số lượng nhà băng tại Việt Nam tăng đột biến lên. Riêng NH cổ phần (CP) tăng từ 4 lên 40, khiến cho mạng lưới hoạt động của hệ thống ngày càng dày đặc. Đến ngày 30-6-2013, sau vài đợt sáp nhập, số lượng của NHCP đã giảm nhưng vẫn còn tới 34 đơn vị với hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch. “Chợ càng đắt, người càng đông”, sinh viên ào ạt thi tuyển vào chuyên ngành NH với kỳ vọng tìm việc làm có thu nhập cao trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.

Những năm sau đó, thu nhập NH luôn đứng hàng đầu bảng, được mệnh danh là nghề “hot”. Lương thưởng “khủng” cuối năm của các nhà băng là chủ đề tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lúc bấy giờ, có người đùa, “giới NH thích nhất là mùa xuân”.

Thu nhập của nhân viên ngành NH giờ đã rớt thảm.

Lương cổ phần... thấp hơn “Ôsin”?

Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, công chúng ngạc nhiên trước chuyện lương bổng của nhân viên NH ở một số NHTMCP “rớt” xuống dưới mức thu nhập của Ôsin. Cay đắng hơn, với mức 2,5 triệu đồng/tháng, nhiều SV mới ra trường cố bám lấy, vừa làm vừa học để khỏi bị thất nghiệp. Khi hỏi về lương, N.T.H. (nhân viên giao dịch) của một NHTMCP, chua chát: “Em không ngờ thu nhập rớt thê thảm như vậy! Tổng mức lương em nhận hằng tháng không quá 3 triệu đồng, thấp hơn cô Ôsin hàng xóm”. Thu nhập của những người làm việc lâu năm, có chức vụ cũng giảm -60%, một trưởng phòng thẻ ATM (hội sở chính một NH tại TPHCM) từ mức 25 triệu/tháng (cách đây 4 năm), nay chỉ còn khoảng 10 triệu đồng.

Anh N.K.T - Giám đốc một phòng giao dịch NH V. trên đường H.V (Đà Nẵng), cho biết, thời gian gần đây, thu nhập của NH này giảm “sốc”. Nơi anh phụ trách, thu nhập của cán bộ giao dịch (teller) 2,5 triệu đồng/tháng, cán bộ tín dụng còn 3 triệu/tháng, bản thân anh là sếp chỉ có 8 triệu đồng/tháng. Khi đề cập đến các khoản thu nhập khác trong cơ cấu chi lương cả năm, anh cười như méo: “Đây là khoản thu nhập cứng, còn mềm phải chờ đến cuối năm, chẳng biết có không?”. Bây giờ chuyện nhân viên chăm sóc khách hàng kiêm nghề bán mỹ phẩm, chuyên viên tín dụng mở quán sinh tố, trưởng phòng thẻ ATM dạy thêm công nghệ thông tin ban đêm nhằm kiếm thêm thu nhập không còn là hiếm.

Không những NHTMCP, các NHTM Nhà nước cũng đang áp dụng một cơ chế sòng phẳng trong phân phối tiền lương. Có làm, có hưởng, chi nhánh nào kinh doanh không hiệu quả, có nợ xấu cao, trích lập dự phòng lớn dẫn đến thua lỗ chỉ được nhận lương cơ bản.

Nhưng vẫn còn... “thượng lưu”

Bên cạnh chuyện “cười ra nước mắt” của một số NHTMCP yếu kém, thu nhập tại một số NH khác vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập của các ngành kinh doanh khác. Trong 6 tháng đầu năm 2013, thu nhập bình quân tại NH M. tương đương 21,3 triệu đồng/người/tháng. Một NHTMCP Nhà nước V. thấp hơn với mức 19,7 triệu đồng/tháng. Trong quý II-2013, thu nhập bình quân của NHTMCP E. xuống 10,6 triệu đồng/người. Trao đổi với giám đốc một phòng giao dịch của Chi nhánh NH S. trên đường N.C.T. (Đà Nẵng), anh cho biết, thu nhập của nhân viên tín dụng mới vào làm 6-7 triệu đồng/tháng, lương kiểm soát viên (thời gian làm trên 3 năm) khoảng 12 triệu đồng/tháng, bản thân anh tầm 18 triệu đồng/tháng.

Một nhân viên của NHTM N. cho biết, NH của họ gần như “đội sổ" về tổng quỹ lương cũng như thu nhập bình quân đầu người. Mặc dầu thu nhập giảm -35% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thu nhập bình quân của nhân viên trong nửa năm đầu 2013 vẫn ở mức 8,72 triệu đồng/tháng. Kết quả hoạt động kinh doanh quý II của đơn vị này, đầu tư chứng khoán lỗ trong khi chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao nên lãi sau thuế của N. âm trên 11,3 tỷ đồng.

Nhận định về biến động thu nhập của NH, ông Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính NH) cho rằng, trước đây, so với các ngành kinh tế khác, lương thưởng cũng như các chế độ trong ngành NH đúng là cao hơn, nhưng hiện tại đang ở mức trung bình. Về số tuyệt đối, nếu so với các quốc gia xung quanh và trong khu vực, thu nhập của cán bộ nhân viên NH ở mức rất thấp.

Tương lai nào cho các nhân viên NH khi họ phải đối mặt thường xuyên với những rủi ro? Liệu rằng, sau các định chế tài chính để tái cấu trúc NH, thu nhập của NH có trở lại thời hoàng kim trước đây?

Văn Khoa