Thu phí hay miễn phí giữ xe tại Bệnh viện công: Công bằng chứ không thể cào bằng

Thứ hai, 26/06/2017 13:42

(Cadn.com.vn) - Đó là chia sẻ của TS.KTS Tô Văn Hùng, Trưởng Ban đô thị Hội đồng nhân dân thành phố khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về việc thu phí giữ xe tại bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố.

TS-KTS Tô Văn Hùng 

P.V: Theo ông, việc xóa bỏ chính sách miễn phí giữ xe bệnh viện, trường học có làm mất đi thương hiệu TP Đà Nẵng như dư luận phản ảnh hay không?

TS-KTS Tô Văn Hùng: Theo tôi, yếu tố tạo dựng nên thương hiệu Đà Nẵng phải kể đến chương trình “5 không 3 có”, trong đó với chủ trương có nhà ở đến nay thành phố đã đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng để xây dựng gần 11 ngàn căn hộ đáp ứng nhu cầu có nhà ở cho các gia đình chính sách, người nghèo là một nỗ lực rất lớn trong điều kiện thành phố còn nhiều khó khăn. Để sau đó là hàng loạt câu chuyện khác cũng “mang tên Đà Nẵng” về chỉnh trang đô thị, cải cách hành chính, tính năng động của chính quyền, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... Có thể thấy chủ trương hạ tầng đi trước một bước đã tạo dựng nên một bộ khung đô thị rộng lớn “vươn sông hướng biển” là một bước đột phá lớn trong quá trình xây dựng thành phố. Đặc biệt yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thương hiệu thành phố chính là con người Đà Nẵng, với tố chất luôn khao khát sự đổi mới, không bằng lòng với những gì sẵn có, sẵn sàng hôm nay hy sinh để tạo dựng cho tương lai tươi sáng. Chính nhờ yếu tố này mà chỉ sau 20 năm xây dựng, thành phố Đà Nẵng đã mở rộng quy mô khu đô thị lên đến gấp 4 lần, từ 5.600 ha trước đây thì nay đã lên đến 21.000 ha; đường phố không ngừng mở rộng, từ hơn 300 km đường phố thì nay đã có gần 1.200 km, trước toàn thành phố chỉ vỏn vẹn 3 cây cầu thì nay có tất cả 42 cây cầu; rồi bệnh viện từ 3.200 giường bệnh đến nay đã có 6.368 giường, thu nhập bình quân đầu người từ 420 USD/người năm 2003 tăng lên 2.908 USD (62,65 triệu đồng), gấp 7 lần so với trước đây...

Đặc biệt, hơn nữa là quá trình xây dựng chỉnh trang đô thị với hơn 530 dự án triển khai đã di dời hơn 110 ngàn hộ dân (xấp xỉ một nửa số hộ dân của thành phố), tổng diện tích đất thu hồi hơn 11.488ha nhưng hầu hết mọi người dân đều đồng lòng cùng với chính quyền thành phố. Nếu không có sự đồng thuận của người dân, ý chí quyết liệt của các thế hệ lãnh đạo thì khó có thể có một chính quyền nào làm được điều đó. Rõ ràng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thành phố đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị. Đây chính là một điểm sáng trên cả nước và là thương hiệu của Đà Nẵng. Tôi đồng ý việc miễn phí gởi xe là một chính sách an sinh xã hội có tính nhân văn, góp phần tạo dựng thương hiệu thành phố đáng sống.

P.V: Nhiều người cho rằng HĐND Khóa IX bãi bỏ chủ trương miễn phí giữ xe bệnh viện là đi ngược với những gì mà HĐND Khóa trước đã tạo dựng, ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?

TS-KTS Tô Văn Hùng: Cần phải hiểu rằng hiện nay theo quy định mới thì một số loại phí trong đó có phí giữ xe trước đây chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá nên Hội đồng nhân dân không còn quyết định chuyện này (Căn cứ Luật Phí, lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25-11-2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, theo luật này thì nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương không có nội dung chi trợ giá. Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận đúng thực trạng của việc miễn phí giữ xe từ trước đến nay tồn tại không ít bất cập mà chính cử tri phản ánh, cụ thể như: trong số hàng ngàn chiếc xe được gởi ở bãi xe bệnh viện đâu phải xe nào cũng của người nghèo, thậm chí có tính trạng người ta mang xe vào để đó chứ không có mục đích vào thăm khám ở bệnh viện; giữ xe không phí nên ý thức người trông giữ cũng không cao, tình trạng xe lăn lóc, mất mũ bảo hiểm, trầy xước xe là khá phổ biến. Tôi nghĩ rằng muốn xã hội phát triển thì mọi cái phải luôn vận động, không có gì là bất biến, mọi chính sách cần phải được xem xét trong tình hình thực tế, và mục tiêu hướng đến là mang lại lợi ích chung cho xã hội. Số tiền thu được từ việc gởi xe hằng năm trên dưới 10 tỷ đồng này cộng với phần ngân sách chi gần 5 tỷ đồng mỗi năm (hỗ trợ cho việc miễn phí giữ xe) nên dùng vào việc tăng cường trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất cho bệnh viện hoặc trạm y tế phường, xã thì lợi ích mang lại cho người dân sẽ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo tôi cũng có thể nghiên cứu biện pháp miễn phí giữ xe cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, còn tất cả phải công bằng. Một xã hội văn minh thì đều hướng tiến đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, phân phối lợi ích công bằng cho mọi người dân. Rõ ràng mục tiêu an sinh xã hội trong miễn phí giữ xe là nhằm hỗ trợ, giúp đỡ  bệnh nhân nghèo, những người có thu nhập thấp. Vậy những người đi ô-tô, các hãng taxi, xe chở khách được đưa vào diện miễn phí là sự cào bằng dẫn đến thiếu công bằng trong xã hội. Vì vậy, theo tôi phải thực sự công bằng chứ không thể cào bằng!

Tình trạng lộn xộn tại bãi đỗ xe bệnh viện công gây phiền toái cho chủ phương tiện.

P.V: Giữa tính nhân văn và Luật thì cá nhân anh ủng hộ phương án miễn phí hay thu phí?

TS-KTS Tô Văn Hùng: Đã đưa vào Luật thì mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ và chấp hành. Còn xét về tính nhân văn, an sinh xã hội thì nên xem xét, vận dụng miễn phí cho đối tượng người nghèo, còn lại thu phí và quan trọng là nếu phí thu được dùng vào mục đích mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng thì càng hoan nghênh. Tôi cũng đã không ít lần ghé thăm người thân tại các bệnh viện nhưng không hài lòng về cách phục vụ, bãi đỗ xe lộn xộn, lối vào ra không rõ ràng. Do vậy, bản thân tôi vẫn muốn thu phí và đổi lại bãi đỗ xe có mái che, có sắp xếp ngăn nắp, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của người trông giữ xe tốt hơn...

P.V: Xin cảm ơn ông!

 XUÂN ĐƯƠNG (thực hiện)