Thủ tướng Abe hạ nhiệt Đông Á

Thứ năm, 15/08/2013 08:16

(Cadn.com.vn) - Quyết định không đến viếng đền Yasukuni gây tranh cãi trong ngày 15-8 nhằm vá lại mối quan hệ đã bị sờn với Trung Quốc và cả Hàn Quốc.

Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không viếng thăm Đền Yasukuni, vốn được xem là biểu tượng chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ, động thái nhằm “vuốt ve” Trung-Hàn, hai quốc gia vốn đang căng thẳng với Tokyo trong tranh chấp lãnh thổ. Kyodo dẫn các nguồn tin thân cận với Thủ tướng Nhật Bản đã xác nhận việc này.

Giới phân tích từng rất lo sợ, Đông Á sẽ dậy sóng nếu Thủ tướng Nhật Bản và Nội các vẫn quyết định viếng thăm đền Yasukuni vào ngày 15-8, nhân lễ kỷ niệm quân Nhật đầu hàng trong Thế Chiến II. Thủ tướng Abe - chính trị gia có quan điểm cứng rắn - từng tới thăm Đền Yasukuni trong lễ hội mùa thu tháng 10-2012 khi còn ở cương vị Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP). Vụ việc ngay lập tức trở thành chủ đề công kích của báo giới Hàn Quốc và Trung Quốc, vốn là nạn nhân của chế độ phát-xít thời chiến. Chuyến đi cũng khiến mối quan hệ ở Đông Á rơi vào biển lửa.

Ông Shinzo Abe (giữa) trong lần viếng đền Yasukuni gây sóng gió khi còn là Chủ tịch  LDP.  Ảnh: AFP

Tính đến nay, đã có 4 Bộ trưởng trong Nội các Thủ tướng Abe thực hiện chuyến thăm gây tranh cãi đến ngôi đền này. Thủ tướng Abe và các đồng minh bảo thủ khác nói rằng, việc viếng thăm đền chỉ là thiện chí tự nhiên để tỏ lòng kính trọng với những người đã hy sinh vì đất nước. Có thể sẽ có ít nhất hai thành viên nội các và một lãnh đạo ban điều hành LDP sẽ đến thăm đền bất chấp việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, bất kỳ chuyến thăm nào của các nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản đều không thể chấp nhận và việc Tokyo đang muốn ghi điểm với Trung Quốc để giúp mở đường cho một Hội nghị Thượng đỉnh song phương.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây tung ra hàng loạt những lời công kích chống lại Nhật Bản, trong đó nhắm mục tiêu là Thủ tướng Abe và kế hoạch tăng cường lực lượng vũ trang của nhà lãnh đạo cứng rắn này. Nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, Cheng Yonghua tỏ ra hòa giải hơn khi cùng tham dự cuộc họp tại Tokyo với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda. “Kinh nghiệm cho thấy, việc sống chung hòa bình và hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Nhật Bản mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên”, ông Cheng nói.

Trên thực tế, mối quan hệ Nhật-Trung trở nên căng thẳng trong nhiều tháng qua vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các chuyên gia chính trị quan ngại, căng thẳng Bắc Kinh- Tokyo leo thêm một nấc thang mới hôm 7-8 khi lần đầu tiên kể từ tháng 9-2012, các tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện 28 giờ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vụ việc khiến Tokyo lập tức triệu Đại sứ Trung Quốc đến phản đối.

Trước đó một ngày, Tokyo phô trương sức mạnh bằng việc cho hạ thủy chiếc tàu khu trục trực thăng Izumo có chiều dài 248m. Đây là chiếc chiến hạm lớn nhất do Nhật Bản chế tạo kể từ sau Thế chiến II, và sẽ chính thức được đưa vào sử dụng năm 2015. Lúc đó, giới phân tích cho rằng, việc Tokyo tung ra chiếc tàu này trong bối cảnh khá căng thẳng hiện nay chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

Bởi lẽ, dù Tokyo khẳng định chiếc Izumo chỉ dành cho công tác kiểm soát vùng hải giới, chống tàu ngầm và cứu hộ trong trường hợp thiên tai nhưng Bắc Kinh lại cáo buộc Tokyo cho đóng tàu sân bay trá hình. Đồng thời, việc thông báo thành lập một lực lượng đặc biệt gồm 600 người nhằm giám sát và bảo vệ quần đảo Senkaku càng làm cho chính quyền Trung Quốc dị ứng và lên án đà “quân sự hóa” của Nhật Bản.

Có thể trước tình hình nước sôi lửa bỏng này, Thủ tướng Abe phải chịu “hy sinh” việc thăm Đền Yasukuni để vuốt giận Trung Quốc. Đó là một nước đi cần thiết.

Khả Anh