Thủ tướng chưa hài lòng về cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ ba, 30/06/2015 08:29

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương trong cả nước liên quan đến tình hình phát triển KT-XH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015; kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì phiên họp tại điểm cầu Đà Nẵng với sự tham gia của các Phó Chủ tịch UBND và lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN 

Cần cải thiện mạnh mẽ hơn

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết quá trình thực hiện Nghị quyết 19 đã đạt được kết quả bước đầu khá tích cực. Cụ thể, chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh còn 3 ngày (NQ đặt ra chỉ tiêu 6 ngày). Theo đó, thời gian khởi sự kinh doanh còn 17 ngày và xếp hạng sẽ cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99).

Về chỉ tiêu Bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tăng từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm nhờ đổi mới của Luật DN 2014. Với mức cải thiện này, xếp hạng chỉ số "Bảo vệ nhà đầu tư" của nước ta sẽ tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị trí 52), đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6.

Về chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH), trong năm 2014 và đầu năm 2015, số giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 157 giờ/năm). Tuy vậy, thời gian nộp thuế vẫn chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 35,5 giờ nữa. Quy trình nộp BHXH đã được rút gọn. Thời gian nộp BHXH hội dự kiến giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm.

Mức giảm này còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu là 49,5 giờ/năm, do đó BHXH cần tiếp tục giảm thêm 185,5 giờ. Như vậy, tổng thời gian nộp thuế và BHXH dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122. Tuy nhiên, vị trí này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 67). Về chỉ tiêu tiếp cận điện năng giảm được khoảng 30 ngày, từ 115 ngày xuống còn 85 ngày và thứ hạng cải thiện 12 bậc (từ vị trí 156 lên vị trí 144). Tuy nhiên, thời gian giảm chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 15 ngày nữa.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương thực hiện tập hợp, rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 Thông tư, Quyết định của các Bộ sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016 theo quy định của Luật Đầu tư 2014.

Chấm dứt việc soạn thảo, ban hành văn bản trái thẩm quyền

Từ thực tế triển khai Nghị quyết 19, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19; đồng thời, yêu cầu tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19 để cụ thể hóa vào Chương trình hành động của ngành, địa phương.

Các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các Thông tư thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết ngay trong quý III-2015; và hoàn thành soạn thảo các Nghị định thuộc thẩm quyền đã được giao chậm nhất trong quý IV-2015. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh; bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn hợp pháp.

Liên quan đến nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cả về cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; hiện đại hóa hành chính... nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình kiến nghị, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của CB-CC-VC trong thực thi công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng...

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu tại Đà Nẵng.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, KT-XH 6 tháng đầu năm phát triển cơ bản  ổn định và có bước tiến triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô đảm bảo ổn định, vững chắc, tăng trưởng kinh tế cao, tạo tiền đề thuận lợi để đạt mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm.

Muốn vậy, các Bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giữ ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh các khâu đột phá, thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt tìm cách tháo gỡ, giải quyết hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu một cách đồng bộ, đồng thời thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả; rà soát thể chế, cơ chế, chính sách CCHC, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, không phù hợp; nâng cao hơn nữa đạo đức, phẩm chất, trách nhiệm CB-CC-VC; mạnh mẽ đưa CNTT vào để thúc đẩy quá trình cải cách TTHC tốt hơn.

Đề cập đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra chưa thực sự hài lòng khi mới có 24 Bộ, Ngành, địa phương có kế hoạch triển khai Nghị quyết quan trọng này. Thủ tướng yêu cầu, cần tập trung sức chỉ đạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của từng doanh nghiệp, từng sản phẩm trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Cần phải xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với tình hình KT-XH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015, Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm phải tìm mọi giải pháp để đạt cao hơn kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Do vậy, trong Lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương cần phải chỉ rõ những vấn đề gì còn hạn chế, yếu kém để có cách khắc phục, không nói chung chung; đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, của từng CBCC, nhất là người đứng đầu và phải tiến hành kiểm tra, đôn đốc, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn để đạt kết quả cao hơn, tốt hơn.

Phương Kiếm