Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp: Quyết liệt giảm chi phí cho doanh nghiệp
(Cadn.com.vn) - Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, ngày 17-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến đối thoại với DN năm 2017. Tại điểm cầu Đà Nẵng Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và lãnh đạo các Sở, ngành, Hiệp hội DN tham dự.
Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. |
Doanh nghiệp vẫn kêu khó!
Đề cập đến chi phí chính thức và không chính thức của DN, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng chi phí cao làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Chính phủ đề ra nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN nhưng khâu thực thi vẫn yếu nhất! Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ. Do đó, DN phải “đi đêm”, “chung chi”, mới “bôi trơn” được hoạt động. Một số lĩnh vực mà DN thường xuyên bị kiểm tra, hoạnh họe như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy... Ông Thân cũng kêu gọi cộng đồng DN cần xây dựng tập quán tạo thói quen, ý thức hoạt động theo pháp luật. Đồng thời, mong muốn các tập đoàn, DN lớn, DN FDI hỗ trợ, liên kết với các DN nhỏ và vừa trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ... để các DN nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC nhìn nhận, một đất nước muốn phát triển, không thể chỉ dựa vào lợi thế của nhân công giá rẻ, mà cần xây dựng chiến lược trọng tâm về những ngành trọng tâm mũi nhọn mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực, cần đẩy mạnh cải cách giáo dục, sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau để có thể nâng cao chất lượng giáo dục, áp dụng công nghệ vào trong phổ biến giáo dục, khuyến khích sự phản biện và sáng tạo trong giáo dục...
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa, Chính phủ cần đẩy mạnh tư nhân hóa bệnh viện để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân, tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư. Ông Đệ cũng phản ánh tình trạng cán bộ công chức vẫn thường xuyên hoạnh họe DN và đề nghị tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với DN như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong Nghị quyết 35.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, việc hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của DN được đưa vào Nghị quyết 35 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, lần này mong Chính phủ tiếp tục ghi nhận và thực hiện để bảo đảm bình đẳng của các DN...
Các Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam lại kiến nghị về việc tháo gỡ rào cản phi thuế quan; cũng như việc tăng cường tính minh bạch, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ CA Tô Lâm: Tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn cho doanh nghiệp Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ CA Tô Lâm đã phát biểu về công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định, an ninh và an toàn cho DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Bộ Công an sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự; tập trung triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm kinh tế... góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, bình đẳng giữa các DN. Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị DN trong phạm vi của mình cần tích cực với các cấp chính quyền giải quyết khiếu kiện; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chấm dứt vi phạm về xe quá khổ, quá tải; đảm bảo an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy... Bộ Công an cũng mong muốn DN cạnh tranh lành mạnh, đồng hành cùng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng thuận lợi và tiết kiệm thời gian hơn cho DN phát triển; kiến nghị bãi bỏ 34 thủ tục hành chính, trong đó có 3 thủ tục hành chính khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam; chú trọng nắm tình hình, thu thập thông tin cho các doanh nghiệp trong lựa chọn đối tác nước ngoài, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp thẩm định tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của doanh nghiệp. CTTĐT |
Cam kết mạnh mẽ vì doanh nghiệp
Tại Hội nghị, nhiều Bộ, ngành giải đáp các kiến nghị của DN đồng thời cam kết cải cách triệt để thể chế, thủ tục hành chính hỗ trợ cho DN. Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, với mục tiêu xây dựng xã hội an ninh an toàn, lực lượng công an phát huy vai trò nòng cốt về công tác công an trong đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn cho DN khởi nghiệp, bảo vệ DN làm ăn chân chính nghiêm túc, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của DN.
Trong thời gian qua Bộ Công an đã phát hiện nhiều băng nhóm tội phạm núp bóng DN đã đe dọa trực tiếp tới hoạt động kinh doanh như vu cáo, chèn ép DN khác làm môi trường kinh doanh méo mó. Ngoài ra, đã triệt phá 80 ổ nhóm núp bóng DN. Đồng quan điểm này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương phải tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu DN; Đặc biệt nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh; Công khai minh bạch các chủ trương, chính sách; chống tiêu cực, ngăn chặn các quan hệ “sân sau” thao túng chính sách để trục lợi...
Đúng 13 giờ 20 cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới chính thức kết luận Hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần hỗ trợ DN phải chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, DN phàn nàn rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13 giờ chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau Hội nghị!
“Các nhà đầu tư, các DN yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện, có năng lực cạnh tranh cao; tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, an toàn đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư, chi phí giao dịch thấp, rủi ro thấp; đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng trong một năm qua, Chính phủ và Bộ ngành đã ban hành 50 nghị định đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho DN; các bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, tạo thuận lợi cho DN; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương.
Cụ thể với 4.500 thủ tục đã xử lý và bãi bỏ; trong 1.100 kiến nghị của DN đã xử lý được 850 (77,5%); Năm 2016, đã thành lập trên 110.000 DN và 4 tháng đầu năm 2017, đã thành lập trên 40.000 DN... “Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho DN “năm nay là năm giảm phí cho DN”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng khẳng định, các kiến nghị của cộng đồng DN nêu sẽ được Chính phủ tiếp thu, xử lý dứt điểm từng nội dung. Trên tinh thần xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, các Bộ ngành, địa phương phải tích cực vào cuộc tạo điều kiện hỗ trợ DN tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như nhiều DN phản ánh. Thủ tướng kêu gọi cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các DN, doanh nhân với Chính phủ để xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. |
* Tại Đà Nẵng, việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách Nhà nước do DN đóng góp đạt trên 3.272 tỷ đồng, chiếm trên 56% tổng số thu toàn thành phố. Về đăng kí thành lập DN, số lượng DN đăng ký thành lập tăng khá cao so với cùng kỳ nhờ môi trường thuận lợi cho khởi sự DN, thu hút đầu tư trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc. Trong 4 tháng đầu năm 2017, cấp giấy chứng nhận cho 1.562 DN vốn đăng ký 10.500 tỷ đồng, cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 690.000 USD, tăng 125% về dự án và tăng trên 118% về vốn so với cùng kỳ 2016. Đến thời điểm này thành phố có 18.680 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 90.600 tỷ đồng.
Xuân Đương