Thủ tướng Ethiopia đoạt giải Nobel Hòa bình 2019
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, 43 tuổi, được vinh danh giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay vì vai trò của ông trong việc kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa Ethiopia và Eritrea.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (trái) và nhà lãnh đạo Eritrea, Isaias Afwerki tại lễ khánh thành Đại sứ quán Eritrea ở Addis Ababa. Ảnh: CNN |
"Thủ tướng Ahmed được vinh danh vì những nỗ lực của ông trong việc đạt được hòa bình và hợp tác quốc tế, và đặc biệt là sáng kiến mang tính quyết định của ông nhằm giải quyết xung đột biên giới với Eritrea", Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen thông báo. Thông báo cũng cho biết "những nỗ lực của ông Ahmed xứng đáng được công nhận và cần được khuyến khích".
Ngay sau khi ông Ahmed được vinh danh, Văn phòng Thủ tướng Ethiopia đã đăng một thông báo trên Twitter, cho biết họ "rất vui được thể hiện lòng tự hào" khi ông Ahmed giành được giải Nobel Hòa bình, khẳng định ông đã "biến hòa bình, bao dung và hòa giải thành những thành tố chính sách chủ chốt trong chính quyền". Ông Awol Allo, một đồng hương người Ethiopia và hiện là Phó giáo sư Luật tại Đại học Keele ở Anh, cho biết Thủ tướng Ahmed xứng đáng nhận giải thưởng vì vai trò của ông trong việc chấm dứt cuộc xung đột - một cuộc chiến tranh vô nghĩa về tranh chấp lãnh thổ biên giới tiêu tốn nhiều tiền của và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người của cả hai nước. "Tôi nghĩ những gì ông Abiy đã làm với Eritrea là rất can đảm và đáng chú ý. Tôi nghĩ rất nhiều người cũng cho rằng những gì ông ấy đã làm là xứng đáng được công nhận. Hai nước không còn chiến tranh. Nhiều gia đình được đoàn tụ vì các chuyến bay được nối lại. Mối quan hệ vốn bị cắt đứt trong 20 năm đã được nhen nhóm trở lại", ông Allo nói.
Ông Ahmed, gần đây cũng giành được sự khen ngợi vì vai trò của mình trong việc giúp môi giới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở nước láng giềng Sudan, sau một cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến việc bắt giữ ông Omar al-Bashir, nhà lãnh đạo đã cai trị đất nước trong gần 3 thập kỷ. "Điều đó cũng cho thấy ông Ahmed là một người coi trọng hòa bình và ổn định ở vùng Sừng Châu Phi", ông Allo nhận xét.
Thỏa thuận lịch sử
Ông Ahmed trở thành Thủ tướng Ethiopia vào tháng 4-2018 sau khi người dân ở quốc gia vùng Sừng Châu Phi này biểu tình phản đối liên minh cầm quyền trong thời gian dài ở đất nước, khiến nền kinh tế tăng trưởng nhất thế giới này bị tổn thương. Ông là người Oromo đầu tiên trở thành nhà lãnh đạo đất nước. Oromo, nhóm dân tộc lớn nhất của Ethiopia, chưa bao giờ giành được vị trí quyền lực nổi bật. Sự bất bình về kinh tế và chính trị đã thúc đẩy các cuộc biểu tình chống chính phủ trên khắp đất nước.
Ông Ahmed gia nhập Tổ chức Dân chủ Nhân dân Oromo khi còn là một thiếu niên. Ông đã ở gần người dân của mình, ngay cả khi ông tuyên bố chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân vào ngày 27-3 để trở thành chủ tịch của đảng cầm quyền. Chiến thắng đó đã đảm bảo vị trí Thủ tướng của một cường quốc Đông Phi có dân số hơn 100 triệu người.
Khi ông Ahmed trở thành Thủ tướng, Ethiopia lúc đó đang lâm vào cuộc xung đột bế tắc với Eritrea, quốc gia giành được độc lập từ Ethiopia năm 1993, sau quá trình đấu tranh vũ trang lâu dài. Chiến tranh nổ ra giữa hai nước vì tranh chấp biên giới năm 1998, các cuộc đụng độ sau đó đã khiến ít nhất 70.000 người thiệt mạng. Cuộc xung đột này được mô tả là "cuộc chiến vô nghĩa nhất châu Phi", khiến hai quốc gia nghèo nhất châu lục phải chi hàng tỷ USD mua sắm vũ khí. Hai bên ký thỏa thuận hòa bình năm 2000, nhưng căng thẳng song phương vẫn ở mức cao.
Ngay sau khi nhậm chức, lãnh đạo trẻ nhất Châu Phi nhanh chóng tiến hành những cuộc cải cách quyết liệt và "hiện tượng Abiymania" bắt đầu. Tháng 6-2018, chỉ hai tháng sau khi nắm quyền, ông khiến mọi người ngạc nhiên khi tuyên bố hoàn toàn chấp nhận những điều khoản được nêu trong Hiệp ước Algiers mà Eritrea - Ethiopia đã ký năm 2000, chấm dứt quan hệ thù địch vĩnh viễn. Ethiopia cũng chấp nhận phán quyết của Ủy ban Ranh giới Eritrea - Ethiopia (EEBC) được LHQ ủng hộ năm 2002, trao các vùng lãnh thổ tranh chấp bao gồm thị trấn Badme cho Eritrea. Vài tuần sau, cảm động trước quyết định của ông Ahmed, Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki tới thăm thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và hai lãnh đạo quyết định khôi phục các hệ thống liên lạc và giao thông hai nước. Lần đầu tiên trong hai thập kỷ, những gia đình bị chia cắt giữa hai nước được đoàn tụ. Sau đó, thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 7-2018, kết thúc bế tắc quân sự kéo dài 20 năm sau chiến tranh biên giới năm 1998 - 2000.
Nhà lãnh đạo Châu Phi hiện đại
Ngay sau khi trở thành Thủ tướng, ông Ahmed đã ra một quyết định táo bạo và tiến bộ; thả tù nhân chính trị của đất nước, lên án việc họ bị tra tấn và cũng trả tự do cho các nhà báo bị bỏ tù. Trước thời ông Ahmed, các nhà báo lên án các chính trị gia bị lưu đày hoặc bị bỏ tù. Ông Ahmed sau đó đã đóng cửa nhà tù Maekelawi khét tiếng ở Addis Ababa, nơi xảy ra nhiều vụ lạm dụng.
Tháng 6-2018, một nhà lập pháp trong Quốc hội Ethiopia đã hỏi Thủ tướng rằng liệu việc thả những tù nhân bị bỏ tù vì tội khủng bố và tham nhũng có vi phạm hiến pháp hay không, ông Ahmed trả lời: "Việc bỏ tù và tra tấn, mà chúng ta từng làm, cũng vi phạm hiến pháp. Hiến pháp có nói rằng bất cứ ai bị tòa án kết án đều bị tra tấn, bị đưa vào phòng tối hay không? Tra tấn, đưa người vào phòng tối là hành động khủng bố". Đây là sự thừa nhận sâu sắc của một Thủ tướng chưa từng thấy ở Châu Phi hiện đại. Ông cũng gặp gỡ phe đối lập chính trị và các nhóm xã hội dân sự để thảo luận về cải cách và mời các nhà chính trị lưu vong trước đó trở về nước. Ông bắt tay vào cải cách thể chế, bao gồm cả lĩnh vực an ninh và tư pháp.
Coi trọng phụ nữ
Ông Ahmed đã thể hiện cam kết của mình đối với bình đẳng giới bằng cách tăng cường vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị. Phụ nữ chiếm một nửa trong số 20 bộ trưởng của chính phủ Ethiopia. Quốc hội Ethiopia thậm chí đã bổ nhiệm nữ tổng thống đầu tiên của đất nước, bà Sahle-Work Zewde, và người đứng đầu Tòa án tối cao đầu tiên của quốc gia, bà Meaza Ashenafi.
Phong cách lãnh đạo này rất khác với đảng cầm quyền của Ethiopia trước đây. Có "các cuộc tập hợp lắng nghe" với sự tham dự của hàng chục ngàn người, các cuộc họp của tòa thị chính trong đó tầm nhìn về dân chủ và thống nhất thực sự được nhấn mạnh. Những thay đổi này là một phần của chương trình nghị sự mới, mà ông Ahmed cam kết sẽ tôn trọng quyền tự do ngôn luận. "Trong một hệ thống dân chủ, chính phủ cho phép công dân thể hiện ý kiến của họ một cách tự do mà không sợ hãi", ông nói vào tháng 4-2018.
Kinh tế tăng trưởng nhanh
Sự kết thúc của cuộc chiến giữa Ethiopia và Eritrea đã đưa Ethiopia thành một cường quốc khu vực Sừng châu Phi. Các quốc gia Vùng Vịnh Arab bắt đầu chú ý đến Ethiopia bởi sức hấp dẫn của một nền kinh tế đang phát triển nhanh.
Những thay đổi lớn này được cảm nhận cả bên ngoài Ethiopia. Eritrea và bây giờ Djibouti và Somalia đều quay sang hợp tác với Addis Ababa. Các hãng hàng không của Ethiopia đã hạ cánh tại Mogadishu, Somalia, lần đầu tiên sau 41 năm. Djibouti cũng đang đàm phán để chia sẻ quyền tiếp cận các cảng của mình để phục vụ nhu cầu của người Ethiopia.
Sau khi trở thành nhà lãnh đạo đất nước, ông Ahmed đã mở các Cty viễn thông, điện và nhà hàng do nhà nước kiểm soát. Tổng sản phẩm quốc nội của Ethiopia dự kiến đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2020, khiến nước này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
AN BÌNH