Thủ tướng Haider al-Abadi và "ván bài" bầu cử
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Iraq vào ngày 12-5 tới, cử tri nước này có thể thoải mái lựa chọn giữa hàng ngàn ứng viên Shitte, Sunni và người Kurd đến từ 87 đảng. Với rất nhiều ứng viên, Thủ tướng Haider al-Abadi đang đứng ở trung tâm của cuộc bầu cử gây tranh cãi gay gắt. Và mặc dù ông được coi là anh hùng trong việc đẩy lui IS khỏi Iraq, theo các cuộc thăm dò, khả năng chiến thắng của ông là không chắc chắn.
Thủ tướng Haidar al-Abadi thăm Mosul sau khi quân đội Iraq giành quyền kiểm soát thành phố từ tay IS. |
Ông Abadi được Tổng thống Fuad Masum bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2014 sau khi người tiền nhiệm Nuri al-Maliki bị chỉ trích vì sự thất bại của quân đội khi IS càn quét, chiếm đóng 1/3 lãnh thổ. Với sự yểm trợ của các cuộc không kích được liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu thực hiện, các lực lượng Iraq mở nhiều chiến dịch tấn công đánh bật IS ra khỏi đất nước. Theo giới quan sát, đây có thể được coi là thành tựu nổi bật trong thời gian ông Abadi giữ chức thủ tướng. Ngoài ra, ông Abadi còn dẹp yên cuộc nổi loạn người Kurd ở phía bắc, và giữ cho lực lượng Iran và Mỹ không xung đột lẫn nhau ngay tại Iraq. Nhưng các vụ đánh bom tự sát tiếp tục xảy ra tại Baghdad, tranh cãi về doanh thu dầu tiếp tục xuất hiện trong quốc hội, và hơn 2 triệu người Iraq vẫn chưa thể trở về quê nhà sau cuộc chiến với IS.
Hiện giờ, ông Abadi phải đối mặt với thách thức lớn khi người dân bỏ phiếu vào ngày 12-5 tới để bầu quốc hội mới.
Liên minh đổ vỡ
Trong bối cảnh phải đối mặt với vô số những thách thức với một Iraq bị tàn phá - chính phủ ước tính sẽ cần khoảng 90 tỷ USD để xây dựng lại các thành phố và thị trấn bị tàn phá bởi IS - ông Abadi phải tìm cách xây dựng liên minh mới trong khu vực vốn ủng hộ người tiền nhiệm Nuri al-Maliki.
Trong cuộc bầu cử năm 2005, cuộc bỏ phiếu thực sự đầu tiên sau khi chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ, các đảng chính trị Shitte đã hoạt động như một nhóm duy nhất. Điều này đảm bảo một chiến thắng của Shitte, lần đầu tiên sau nhiều năm thống trị của phe Sunni, và củng cố quyền lực trong cơ quan lập pháp, qua đó trợ giúp việc ban hành luật không vấp phải sự phản đối của các phe phái khác.
Tuy nhiên, lần này, Shitte bị chia thành 5 liên minh, và danh sách "Liên minh Chiến thắng" của ông Abadi bao gồm cả các ứng cử viên Sunni ở các tỉnh như Nineveh ở phía bắc và Anbar ở phía Tây. Ông cũng là người duy nhất tranh cử tại 18 tỉnh của Iraq.
Nhưng bất chấp sự ủng hộ của các đồng minh, trong đó có Mỹ, ông Abadi phải đối mặt với khả năng không giành được số ghế cần thiết để chiếm đa số, có nghĩa là ông sẽ phải tiếp cận với các nhóm khác, trong đó có ông Maliki và cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Hadi al-Amiri. Những người Iraq dòng Shitte sẽ phải bỏ phiếu lựa chọn giữa ba nhóm, khiến cho gần như ông Abadi không thể tránh khỏi việc sẽ phải thương lượng với họ.
Các đơn vị Lực lượng Động viên Mở rộng Iraq (PMU) người Shitte bị lên án vì sự tàn bạo đối với người Iraq sống trong các khu vực thuộc quyền kiểm soát của IS. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi các chỉ huy Iraq ngăn chặn PMU tham gia vào các hoạt động quân sự, cáo buộc các đơn vị này giết người, bắt cóc, tra tấn và phá hủy nhà cửa của người Sunni. Cuối cùng, PMU bị loại khỏi các chiến dịch chiến đấu ở khu vực Sunni. Quân đội Mỹ và Iraq đã tiến hành các cuộc tấn công vào các thị trấn được kiểm soát bởi IS, bao gồm Mosul, để tránh làm căng thẳng các căng thẳng giáo phái phát sinh khi các chiến binh PMU được gửi đến.
Lá bài "Chiến thắng"
Vào ngày 9-12-2017, ông Abadi tuyên bố giành chiến thắng trước IS. Chiến thắng này là lá bài chính trị lớn nhất mà ông Abadi nắm giữ trong cuộc bầu cử lần này. Do đó ông đã đặt tên liên minh của mình là "Liên minh Chiến thắng". Ông cũng đến thăm các khu vực do IS kiểm soát trước đây, hứa hẹn sẽ giúp người dân tái thiết.
Renad Mansour, một nhà nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, nhận định: "Ông ấy là người được yêu thích, và ông ấy đang cố gắng theo đuổi chiến lược này trên khắp Iraq". Tuy nhiên, ông Mansour cho rằng, khả năng nắm giữ đất nước sau khi IS bị đánh bại đã nhanh chóng phai nhạt. Những vấn đề khiến Iraq trở thành nơi sản sinh của các nhóm cực đoan, vẫn còn tồn tại. "Chúng tôi đánh bại IS, nhưng lãnh đạo không thể cung cấp bất cứ thứ gì cho chúng tôi. Hệ thống bị hỏng, nhiều vấn đề nảy sinh. Bất chấp việc nhà lãnh đạo hứa hẹn thay đổi nhưng rất nhiều người Iraq không tin sẽ có nhiều thay đổi thông qua bầu cử", ông Mansour nói.
AN BÌNH