Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dứt khoát phải kiểm soát nợ công

Thứ năm, 30/10/2014 07:36

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10-2014 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian vào thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014, làm rõ nhiều vấn đề lớn nổi lên liên quan đến nợ công, cơ cấu thu chi ngân sách, nợ xấu và giải pháp kiểm soát để đạt được mục tiêu đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn 3%; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014 trên các mặt đều tiếp tục có những bước chuyển biến tích cực; từ chuyển biến tích cực này, dự báo chỉ tiêu tổng hợp đó là tăng trưởng GDP sẽ đạt và có khả năng tăng cao hơn 5,8%.

Điểm sáng nổi lên của nền kinh tế là công nghiệp tăng trưởng cao, nhất là tăng trưởng ở khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp khai khoáng; nông nghiệp phát triển ổn định, năng suất tăng lên, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nợ công (nợ của Chính phủ cả vay trong nước, ngoài nước; nợ do Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) đến hết năm 2014 và dự báo năm 2015 cho tới năm 2020 vẫn trong giới hạn cho phép, hiện nợ công đang được kiểm soát chặt chẽ, theo đánh giá đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho hay gần như nợ công là để dành cho đầu tư phát triển (trên 98% dành cho các dự án đầu tư phát triển, 1,5% hòa vào ngân sách, nằm trong tổng thu ngân sách để bố trí chi cũng là chi cho phát triển, chỉ còn hơn 0,4% rơi vào các đơn vị sự nghiệp).

“Cơ cấu sử dụng nợ công là phù hợp, là đúng hướng, chúng ta chủ trương vay là để đầu tư, chứ không có vay để ăn, để tiêu vào cái khác”, Thủ tướng nói, đồng thời, những năm qua các khoản nợ đều được trả đúng hạn, không để nợ xấu. Dự báo từ nay đến năm 2020 vẫn đảm bảo trả được nợ, theo đúng quy định là trả nợ không quá 25% GDP. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh nợ công của chúng ta tăng nhanh, áp lực trả nợ là lớn, từ đó đặt ra 3 mục tiêu là dứt khoát phải kiểm soát nợ công trong giới hạn được Quốc hội cho phép, Chiến lược nợ công quy định, không để vượt, tức tổng nợ công không quá 65% GDP; phải chi đầu tư có hiệu quả và phải bảo đảm tính toán, cân đối ngân sách trong trả nợ vay. Cùng với đó là phải cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, “lành mạnh ở đây là phải nằm trong giới hạn vay nợ cho phép, không được vượt, thời gian vay dài hơn, lãi suất thấp hơn”, Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, về nợ nước ngoài (bao gồm nợ của Chính phủ, nợ của Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác được vay theo phương thức tự vay tự trả theo pháp luật của Việt Nam) phải kiểm soát tốt chỉ số về nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Thủ tướng cũng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.

Về triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43%, tính đến giữa tháng 9-2014 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra.

Chinhphu.vn