Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nền kinh tế phục hồi rõ nét
(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2015, ngày 1-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng năm 2015, kế hoạch phát triển KT-XH, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020...
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi khá rõ nét với tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây.
Trung Quốc phá giá đồng NDT có tác động không lớn
Tốc độ tăng GDP 9 tháng đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Động lực tăng trưởng của năm 2015 được Bộ trưởng nhận định là do sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp; sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp cùng với những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhìn vào con số kim ngạch xuất khẩu 120,7 tỷ USD (tăng 9,6%), tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 124,6 tỷ USD (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014), thành viên Chính phủ cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) có tác động không lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo tính toán sơ bộ, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có thể tăng thêm khoảng 0,04% trong năm 2015 và tăng thêm 0,08% trong năm 2016; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do ta đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và điều chỉnh giảm giá VND so với USD từ đầu năm đến nay khoảng 5% để thúc đẩy xuất khẩu. Đến thời điểm hiện nay, đúng như dự báo từ đầu năm, các diễn biến giá dầu giảm, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam năm 2015.
Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định cuối năm 2015, 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu vượt rất cao như GDP, dự kiến tăng trưởng 6,2% nhưng tiến triển tốt có thể lên đến trên 6,5%, đây cũng là chỉ số được các tổ chức quốc tế đồng tình đánh giá. Trong 14 chỉ tiêu, một chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ che phủ rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cách tính khác. Dựa trên tỷ lệ trồng rừng mới tăng lên, xét cho rõ, đây là chỉ tiêu hoàn thành – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu.
Các thành viên Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, không thể chủ quan, giá dầu thô diễn biến khó lường, cần theo sát và có phản ứng chính sách kịp thời. Các thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ để linh hoạt huy động nguồn lực và phát hành trái phiếu ra quốc tế để đảo nợ, giảm nợ công.
Tài chính ngân sách khó khăn
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhìn nhận, kinh tế có khởi sắc nhưng tài chính ngân sách lại khó khăn. Báo cáo 5 năm 2011 – 2015 đã phân tích cơ cấu ngân sách chi thường xuyên tăng quá nhanh, trong điều hành phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nên dẫn đến thu ngân sách giảm. Phó Thủ tướng đề nghị phân tích kỹ hơn, để xu hướng này diễn biến tiếp là không tốt, đầu tư không bằng bội chi. Định hướng 2016 - 2020 phải bổ sung nội dung cơ cấu lại ngân sách, tính toán lại chi thường xuyên, đầu tư, để ngân sách lành mạnh lại.
Vấn đề nợ công hiện nay vẫn trong phạm vi an toàn và cho phép nhưng nhìn về lâu dài phải có chiến lược để lành mạnh tài chính, phải tính toán làm sao thị trường vốn phát triển tốt hơn, huy động được dài hơi hơn, huy động ngắn sẽ gây áp lực trả nợ lớn; đồng thời phải tính toán lại bài toán cơ cấu nợ công, phải tăng vay trong nước. Thành viên Chính phủ đề nghị tính toán lại chuẩn nghèo và tỷ lệ nông thôn mới. Nếu đặt vấn đề 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 sẽ phải bố trí vốn đầu tư rất lớn, không dễ thực hiện. Hiện mới có trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm đạt 20%.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thống nhất đánh giá những đổi mới trong thi cử, lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ xét tuyển đại học đã thành công, đi đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) là giảm áp lực, giảm tốn kém, đánh giá kết quả sát thực tế. Đây là chủ trương đúng, được dư luận xã hội đồng tình, cần phát huy kết quả đạt được, khắc phục những lỗi kỹ thuật để các năm tiếp theo thực hiện tốt hơn.
Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh
Kết luận hai ngày làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu cuối năm phải cố gắng đạt ở mức cao nhất, phải theo dõi diễn biến tình hình thế giới, phản ứng chính sách kịp thời, phát huy ưu điểm cũng như khắc phục những hạn chế, khó khăn để đạt kết quả cao nhất. Đối với nông nghiệp, phải tập trung quyết liệt vì đây vừa là thu nhập, đời sống của nông dân, vừa góp phần cho tăng trưởng. Đối với du lịch, phải rà soát, tìm cách cạnh tranh, nếu không cải cách, cải thiện sẽ tụt dốc. Đối với xuất khẩu nông sản, phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường khác, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương đưa ra tiêu chí giảm nghèo bền vững giai đoạn mới (giảm nghèo đa chiều) để thảo luận và triển khai thực hiện trong năm 2016 bởi liên quan đến các tiêu chí này cần phải cân đối nguồn lực rất lớn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; không ngừng củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, khách quan cho báo chí, dư luận về mọi mặt của tình hình kinh tế - xã hội, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực thiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra.
Về vấn đề ngân sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong 5 năm tới phải cơ cấu lại ngân sách theo hướng tích cực hơn. Chi thường xuyên phải giảm xuống, chi đầu tư phải tăng lên, dứt khoát bội chi là để đầu tư; đồng thời phải đề ra các giải pháp hiệu quả để tăng thu nội địa; bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế; việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, cũng như chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.
Thu Thủy – TTXVN