Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cải cách hành chính quan trọng nhất là khâu cán bộ

Thứ năm, 18/08/2016 08:19

(Cadn.com.vn) - Sáng 17-8, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong bộ máy còn nhiều cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn thiếu minh bạch, chưa hoàn toàn công khai và đặc biệt là dân “kêu” còn nhiều. Môi trường đầu tư có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém, chưa so được với các nước phát triển ở ASEAN. Thủ tướng cho rằng biện pháp quan trọng nhất để khắc phục tình trạng này là khâu cán bộ. 

Thủ tướng nêu rõ, Đại hội lần thứ XI và Đại hội lần thứ XII của Đảng đều đề cập đến công cuộc cải cách hành chính, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đảng ta đã nhận diện về bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả; cán bộ không làm gương, còn nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu, không sát dân, không phục vụ sự phát triển. Chính vì vậy Đảng ta đặt vấn đề phải cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, bao gồm cả bộ máy, cán bộ, công chức, kể cả phương pháp, điều kiện cụ thể để cải cách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ phải giỏi, có đạo đức, có tâm phục vụ nhân dân và phải luôn nhớ “3 xin” là “xin chào, xin cảm ơn và xin lỗi”. Nhắc đến mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, Thủ tướng yêu cầu mọi cán bộ phải là công bộc, phục vụ được dân hài lòng, biết lo cho dân và doanh nghiệp thì dân vui, yên tâm sản xuất kinh doanh, đất nước thịnh cường; không hình sự hóa vấn đề kinh tế, dân sự. 

Nói về công tác cán bộ, Thủ tướng cho rằng đây là khâu yếu nhất trong cải cách hành chính. “Cán bộ liêm chính, phục vụ nhân dân. Anh cải cách trời, cải cách thủ tục nhiều, nhưng cán bộ vẫn là vấn đề quyết định. Cán bộ chính là người thực hiện. Có phải khâu đó là khâu chúng ta cần quan tâm không?! Hoặc bộ máy đông mà chúng ta không mạnh thì cải cách bằng cách nào?!”.

Cho biết, hiện nền hành chính có hơn 2,6 triệu người hưởng lương ngân sách Nhà nước, nhưng số lượng viên chức rất lớn, trên 2 triệu người, Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tự trang trải kinh phí, Nhà nước chỉ nắm những khâu quan trọng. Từ đó giảm số lượng biên chế Nhà nước và quỹ tiền lương và nâng lương cho công chức, viên chức, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Nêu rõ Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển, Thủ tướng đặt vấn đề, vậy tinh thần đó được chỉ đạo như thế nào? Các cấp các ngành, từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, những nơi tiếp xúc trực tiếp với dân có chuyển biến không? Có thực sự phục vụ nhân dân, có nhũng nhiễu hay không?! 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tổng kết một cách thực chất, đánh giá tình hình và giải pháp sát với thực tiễn, không mang tính hình thức. Thủ tướng yêu cầu một tinh thần nói thẳng, nói thật, nhìn thẳng vào những việc gai góc vướng mắc hiện nay trong bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức, thể chế pháp luật, dịch vụ hành chính công, tiền lương...

Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, các tỉnh. Theo xếp hạng này thì Ngân hàng Nhà nước đứng vị trí thứ nhất, với chỉ số là 89,42; tiếp đó là Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải. Các bộ có chỉ số thấp là Bộ Khoa học và Công nghệ xếp thứ 17; Bộ Công Thương xếp thứ 18 và Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ 19. 

Theo Bộ Nội vụ, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 cho thấy tất cả 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt kết quả trên 80%, không có bộ, cơ quan ngang bộ nào giảm điểm so với năm 2014. Các bộ có giá trị tăng điểm cao là Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Đối với xếp hạng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng được xếp vị trí đầu tiên với chỉ số 93,31; tiếp đó là Hải Phòng, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế. 4 tỉnh có chỉ số thấp nhất là Quảng Ngãi xếp thứ 60; Kon Tum xếp thứ 61; Cao Bằng xếp thứ 62 và Điện Biên xếp thứ 63. 

Kết quả cho thấy không có tỉnh nào có chỉ số Cải cách hành chính dưới 70%. Những tỉnh có chỉ số cải cách hành chính từ 90% trở lên được xếp vào nhóm A; từ 80% trở lên đến dưới 90% được xếp vào nhóm B và từ 70% đến dưới 80% được xếp vào nhóm C.

Quang Vũ