Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Còn nhiều dư địa để tăng trưởng

Thứ ba, 04/07/2017 10:44

(Cadn.com.vn) - Ngày 3-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiến hành phiên họp trực tuyến với lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để thảo luận tình hình KT-XH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017; bàn các giải pháp cho 6 tháng cuối năm.

Chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Tăng trưởng của nền kinh tế khả quan

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phiên họp, Thủ tướng lưu ý việc bên cạnh đánh giá tình hình KT-XH, QP-AN, đối ngoại của đất nước 6 tháng đầu năm 2017 cần đặc biệt là đưa ra các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ 2017 đã đề ra. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi, kinh tế trong nước quý II và 6 tháng đã có những cải thiện rõ nét, nhiều tín hiệu tích cực hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đã có sự bứt phá; động lực tăng trưởng của nền kinh tế khả quan; triển vọng tăng trưởng dự báo cao hơn trong các quý cuối năm.

“Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường, mặc dù gặp khó khăn chung của quốc tế và khu vực, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả bước đầu” - Thủ tướng nhìn nhận, các chỉ số cơ bản của sức khỏe nền kinh tế đều tốt. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng qua chỉ tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng khá, tính chung 6 tháng ước đạt 7,54%. Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư ngoài xã hội ước thực hiện 6 tháng đạt khoảng 674,8 ngàn tỷ đồng, bằng 32,8% GDP, tăng 10,5%, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2013-2016. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn, tốc độ giải ngân vẫn thấp so với yêu cầu. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm tăng mạnh, tạo tín hiệu tích cực, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng như hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần 6 tháng đạt 19,2 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ. Kết quả, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,73%, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh...

Lãnh đạo TP Đà Nẵng dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trực tuyến Đà Nẵng.

Phải quyết tâm, hành động quyết liệt hơn nữa

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã chỉ ra các mặt hạn chế, khó khăn, thách thức trên một số lĩnh vực và những vấn đề xã hội bức xúc như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường. Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Riêng về tăng trưởng, để cả năm đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. “Đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu có thể nói đang phục hồi mạnh. Xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi”. Thủ tướng cho biết, còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn”.

Đà Nẵng tăng trưởng khá

Theo báo cáo của TP Đà Nẵng, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,1%. TP tiếp tục duy trì thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (par index) và Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (ICT index). Dịch vụ du lịch tiếp tục phát triển sôi động với nhiều hoạt động thu hút khách du lịch, đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017.

Tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng 6 tháng ước đạt hơn 3.229 ngàn lượt, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 1.222 ngàn lượt, tăng 72,2%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch gần 10.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt trên 696 triệu USD, tăng 11,3%. Thu hút đầu tư trong, ngoài nước tăng cả về số lượng và quy mô dự án; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt trên 11.510 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán.

Công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được đặc biệt chú trọng. Thành phố đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo APEC 2017 Đà Nẵng, chủ động ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch chi tiết triển khai công tác chuẩn bị; phối hợp với các bộ ngành T.Ư nhằm chuẩn bị chu đáo cho sự kiện, đồng thời tranh thủ quảng bá, tận dụng các cơ hội phát triển kinh tế thành phố. Tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến độ và đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung hoàn thành các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và các công trình thuộc nguồn vốn tư nhân theo đúng kế hoạch.

P.K

Thủ tướng đề nghị, cần phải đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn. Nhấn mạnh giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục hành chính, Thủ tướng cho rằng, người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về chuyện này.

“Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã đưa ra nhiều cơ chế, nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, đầy đủ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức. Một số cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, tại hội nghị đã tiếp thu, lắng nghe những vấn đề đặt ra tại hội nghị. Trước hết khắc phục những tồn tại, khuyết điểm; cải cách mạnh mẽ hơn, nhất là CCHC thực chất hơn, chuyển động từ T.Ư đến cơ sở theo hướng phục  vụ người dân tốt hơn; phân cấp mạnh mẽ hơn, giao quyền cho cấp dưới và phải chịu trách nhiệm, nhất là các dự án đầu tư. Tiếp tục xã hội hóa các nguồn lực, tiếp tục quan tâm đến người dân và DN, giảm phí để tăng cường sư cạnh tranh của DN, giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư; tiếp tục thực hiện NQ19/CP một cách cụ thể. Lắng nghe, xử lý vướng mắc của DN, người dân, tránh quan liêu, cửa quyền, hách dịch, xa thực tiễn bằng cách tăng cường đối thoại, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN; tiếp tục giữ kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm các vi phạm phá rừng, cát tặc, đóng tàu vỏ thép kém chất lượng...

Để đạt mức tăng trưởng 6 tháng cuối năm, không thể chủ quan mà phải quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. “Làm cái gì mới cho đất nước, quê hương chứ không chỉ khắc phục những tồn tại trên cơ sở tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

PHƯƠNG KIẾM