Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không “ném tiền” vào các dự án thua lỗ

Thứ bảy, 07/01/2017 09:38

(Cadn.com.vn) - Sáng 6-1, phát biểu ý kiến đánh giá công tác ngành công thương tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành,  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Ngành công thương đã “bị vấp nhưng chưa ngã”. Ngược lại, ngành có sự vươn lên mạnh mẽ, không chỉ có Bộ Công Thương mà cả hệ thống công thương toàn quốc, trong đó có vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến ngành Công Thương.

Xuất siêu gần 2,7 tỷ USD

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2016, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%, trong đó có hai điểm đáng chú ý, đó là sự sụt giảm mạnh của ngành khai khoáng, giảm 5,9% và sự tăng trưởng khá của công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 11,2%. Những lĩnh vực là bệ đỡ cho ngành công nghiệp năm qua là thép, ô-tô, dệt, xi-măng, tivi, điện. Giá điện năm qua cũng được giữ ổn định, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, công nghiệp vẫn đối mặt với những vấn đề lớn mang tính chiến lược như tăng trưởng vẫn dựa vào chiều rộng, tức là vẫn dựa vào tăng số lượng các doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư và lao động. Sản lượng dầu khai thác trong nước đã đến ngưỡng, trong khi đầu tư thăm dò gặp khó khăn. Việt Nam cơ bản chỉ có thể tham gia vào các khâu gia công với giá trị gia tăng thấp, trong khi vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, nhờ có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 176 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2015, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 10%; trong đó, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70%. Tính chung, cả năm xuất siêu 2,68 tỉ USD. Đây được coi là nỗ lực của ngành công thương trong bối cảnh thế giới biến động bất lợi, giá nhiều mặt hàng chủ lực giảm, như dầu thô, nông – thủy sản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
tại Hội nghị trực tuyến ngành Công Thương.

Không “ném tiền” vào các dự án thua lỗ

Giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết những tồn đọng tại mười mấy dự án đang nằm ở Bộ Công Thương. “Lãnh đạo Bộ, các tập đoàn phải tập trung, nêu trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết tồn tại này”, Thủ tướng chỉ đạo và tiếp tục khẳng định, ngân sách không có khả năng và cũng không “ném tiền” vào các dự án thua lỗ này. Bộ cũng cần có chính sách phát triển một số mặt hàng công nghiệp quan trọng, như công nghiệp ô-tô, một số sản phẩm điện tử, cơ khí. Nhất là vừa qua, cơ khí Việt Nam đã thể hiện được thế mạnh trong vai trò tổng thầu EPC một số nhà máy điện, công trình lớn và có thể xuất khẩu. Thủ tướng gợi ý, nên có một hội nghị bàn về cơ chế để cơ khí Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó phải phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không nghiên cứu, phát động một chiến dịch công nghiệp Việt Nam phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao là một thế mạnh của Việt Nam? Tại sao chúng ta không phục vụ cái này, nhất là một số ngành cơ khí và một số ngành chức năng?”. Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành nghiên cứu các “hàng rào” bảo vệ hàng hóa trong nước nhưng không trái pháp luật quốc tế; xây dựng thương hiệu quốc gia với những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên chủ trì Hội nghị trực tuyến của ngành tài chính
tại điểm cầu Đà Nẵng.

Đảm bảo thu - chi ngân sách

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự hội nghị. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, năm 2016, tổng thu NSNN đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng (tăng 7,8%) so dự toán; có 58/63 địa phương đã hoàn thành vượt mức dự toán thu; chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội đã cho phép là 254.000 tỷ đồng (4,95% GDP). Năm 2017, ngành tài chính đặt mục tiêu, dự toán thu cân đối là 1.212,18 nghìn tỷ đồng; dự toán chi là 1.390,48 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN giảm xuống ở mức 3,5% GDP.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu năm 2017 trở đi, ngành Tài chính phải nỗ lực đảm bảo thu chi ngân sách bền vững. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính không được xuất đồng ngân sách nào để biếu tặng cấp trên. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, ngành tài chính phải có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân, góp phần đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong năm 2017”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đà Nẵng đề nghị Trung ương thanh toán gần 2.000 tỷ đồng

Tại Đà Nẵng theo báo cáo của Sở Tài chính năm 2016, thu chi ngân sách thành phố đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể thu ngân sách thành phố đạt 19.848,9 tỷ đồng, tăng 39,4% so với dự toán Trung ương giao. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2016 là 18.134 tỷ đồng. Như vậy, năm 2016, ngân sách thành phố bội thu 1.714,8 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo Luật ngân sách mới, cũng như tinh thần Nghị quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị về xây dựng Đà Nẵng trở thành động lực phát triển vùng trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính quan tâm bố trí 615 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt để thành phố thanh toán các khoản đối ứng trước, gồm các công trình Nhà thi đấu thể dục thể thao: 300 tỷ đồng; Trại cai nghiện Bầu Bàng: 25 tỷ đồng; cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý: 90 tỷ đồng; các công trình phục vụ APEC 2017: 200 tỷ đồng. Đồng thời, Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm thanh toán 1.300 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Đây là khoản nợ đọng xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố có tính chất liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được lãnh đạo Nhà nước và các Nghị quyết, văn bản của Trung ương đồng ý bố trí vốn ngân sách Trung tương từ nhiều năm nay.

Ngoài ra, năm 2017 là thời điểm tất cả các hạng mục của dự án phát triển bền vững Đà Nẵng được triển khai đồng loạt, nhu cầu giải ngân vốn ODA rất lớn. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện cũng như có thêm nguồn lực để triển khai các dự án sử dụng vốn nước ngoài của thành phố đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực hiện dự án và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ và đối với các dự án ODA của thành phố sử dụng vốn vay của các Tổ chức quốc tế không đưa vào trần nợ công của thành phố.

T.Thủy – Q.Vũ – X.Đương