Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nắm bắt cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0

Thứ bảy, 14/07/2018 07:00

Sau lễ khai mạc, tại các chuỗi chuyên đề của Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) diễn ra sáng 13-7  tại Hà Nội, các diễn giả đã tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; đề cập đến một số xu hướng nổi bật về công nghiệp 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo đánh giá của các diễn giả, Việt Nam đang ở mức trung bình của thế giới về sự sẵn sàng với cuộc cách mạng 4.0. Các khuyến nghị được đưa ra là Việt Nam cần ưu tiên giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo kỹ năng kỹ thuật, đồng thời cần có chính sách mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực.

Thủ tướng đối thoại tại Diễn đàn.

Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia

Cuối buổi sáng, Diễn đàn Cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tiếp tục diễn ra ở phần đối thoại chính sách - nội dung quan trọng nhất của sự kiện này. Trao đổi với các diễn giả, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 mang tới cả thời cơ và thách thức, là bình đẳng với mọi người và mọi quốc gia. Tuy nhiên, với các quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam thì dù bình đẳng về cơ hội thì cũng rất dễ bị bỏ lại phía sau nếu không nắm bắt thật nhanh những bước tiến mới của khoa học công nghệ. “Việc này phải thực hiện ở các cấp, chứ không chỉ ở riêng Bộ Khoa học và Công nghệ hay ngành công nghệ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những việc phải làm đầu tiên là phải đổi mới cho bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia, mà trước đây vốn là các chủ thể như Chính phủ, viện nghiên cứu, các trường đại học theo hướng các doanh nghiệp phải là trung tâm.

Sau khi lắng nghe các câu hỏi và phần giải đáp của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ các bộ ngành với các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp, phát biểu trong đối thoại tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã ở rất gần với Việt Nam. Đánh giá cao kết quả của Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng, qua Diễn dàn, đã làm rõ nhận thức về bước đi, cách làm và đặt ra yêu cầu thay đổi phương thức dịch vụ nền kinh tế số và yêu cầu thay đổi giải pháp công nghệ thay vì áp dụng công nghệ truyền thống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới của thế giới như internet vạn vật, dữ liệu lớn, robot... nhằm nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới sức sáng tạo. Tuy nhiên, việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở Việt Nam còn chậm và chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới này.

Khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0

Đặt vấn đề khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 với tầm nhìn chiến lược nhưng phải hành động khẩn trương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035; từng bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động trong đó xác định rõ mục tiêu ưu tiên, các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp.

Thủ tướng cũng đề nghị phải có phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Xây dựng những kịch bản nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này; tăng cường quản lý rủi ro từ những hệ quả, nhất là các vấn đề về việc làm và quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp...

Tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các quốc gia, tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của Liên hiệp quốc, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (World Bank)... đã sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển KT-XH. “Chúng tôi cũng ủng hộ và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài có thế mạnh về khoa học công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bày tỏ đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia tại Diễn đàn như: Liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, câu trả lời ngắn gọn là không bởi công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó. “Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư sẽ cùng nhau phối hợp, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0 - một nghị quyết quan trọng, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn với Chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia; trong đó chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam.

THU THỦY – TTXVN

Robot Sophia là khách mời đặc biệt của Diễn đàn cấp cao về 4.0

Sophia tại Diễn đàn.

Sophia, robot đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân như con người là khách mời đặc biệt của Diễn đàn cấp cao về 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư tổ chức ngày 13-7. Xuất hiện tại diễn đàn với chiếc áo dài màu trắng, Sophia gửi lời chào tới Việt Nam và khán giả. Cô trả lời bằng tiếng Anh ba câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn về những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến Việt Nam. “Tôi là người đại diện cho kỷ nguyên 4.0, và tôi cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn”, Sophia trả lời khi được hỏi “Việt Nam cần có chiến lược gì để không bị tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0”. Theo Sophia, công nghệ là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về năng suất lao động, kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để công nghệ mang lại lợi ích cho mọi người. Sophia đã nhắc đến khía cạnh, những chính sách cần có “sự hỗ trợ toàn diện” để công nghệ cũng mang lại lợi ích cho cả những thành phần “dễ bị tổn thương” như người ở vùng sâu, vùng xa, những người nghèo trong xã hội.