Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước những yếu kém

Thứ sáu, 02/11/2018 07:42

Sau ba ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, cải tiến, chiều 1-11, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn, trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Không để bất kỳ ai bị bỏ sót

Theo Thủ tướng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã gần 3 năm, dù tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhiều mặt không thuận lợi đối với một nước hội nhập sâu như nước ta, nhưng Việt Nam đã giữ được ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao với chất lượng được cải thiện. Thủ tướng đánh giá, thành quả này có được nhờ nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng cho rằng cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Thủ tướng, cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc “Con Cưng” hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Thủ tướng đề nghị sửa lại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. “Tất cả chúng ta, toàn bộ hệ thống chính trị, cần chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ XXI như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng bày tỏ: “Chúng ta cần hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển. Trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự cũng lớn lao. Được sự tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là niềm tin mà nhân dân dành cho, các thành viên Chính phủ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu về một số vấn đề được nhiều đại biểu và đông đảo cử tri quan tâm. Những chất vấn khác của các đại biểu Quốc hội sẽ được Thủ tướng trả lời bằng văn bản và gửi đến từng đại biểu.

“5 ngón tay có ngón ngắn, dài...”

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về giải pháp để các thành viên Chính phủ “đều tay hơn”, Thủ tướng bày tỏ: 5 ngón tay có ngón ngắn, dài nhưng đều nằm trên cùng một bàn tay, vì vậy trước tiên tất cả các thành viên Chính phủ phải đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước những yếu kém. Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh 4 giải pháp. Trước hết là chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc tốt hơn các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, bởi thực tế, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt trong khi nơi khác trì trệ, sai sót lớn đều do điều hành mà ra.

Đồng thời, thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp trong công tác, kiểm tra các cục, vụ, viện... chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Mỗi thành viên Chính phủ cần tự rèn luyện, đổi mới sáng tạo sát dân, sát cơ sở, sát địa phương, không được lãnh đạo, chỉ đạo theo kiểu “đuổi gà qua đám giỗ”, sơ sài, qua loa, sợ trách nhiệm. Cuối cùng, với trường hợp vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.

“Với tâm tư của nhiều vị Bộ trưởng như đại biểu nêu, tôi muốn nói, như ở các nước, Chính phủ, Bộ trưởng với tư cách là Tư lệnh ngành, nhất là đất nước đông dân như nước ta, gần 100 triệu dân, thì điều hành rất phức tạp, rủi ro. Tôi cũng mong các đại biểu Quốc hội rất thông cảm, anh em phần lớn là nhiệm kỳ đầu”, Thủ tướng chia sẻ.

Để người dân đồng tình trong hành động

Về công tác dân vận chính quyền được đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu, Thủ tướng cho biết, trong năm 2018 - Năm Dân vận chính quyền, Chính phủ, các cấp chính quyền kết hợp với Ban Dân vận để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thủ tướng khẳng định, công tác dân vận không chỉ là Ban Dân vận mà tất cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp chính quyền phải quan tâm để người dân đồng tình với chúng ta trong hành động - một việc rất quan trọng mà chúng ta chưa làm tốt hiện nay.

Theo Thủ tướng, chính quyền phải phục vụ người dân, tập trung cải cách hành chính, một cửa liên thông, phát huy dân chủ của người dân. Cùng với đó, đối thoại với các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ. Các dự thảo luật phải lấy ý kiến của nhân dân. Sắp tới, các cấp chính quyền phải phối hợp làm tốt hơn công tác dân vận.

Trả lời chất vấn của đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về chính sách tôn giáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, đều được Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ cấp Trung ương tới cấp cơ sở quan tâm. Nước ta hiện có 15 tôn giáo, 42 tổ chức, 25,3 triệu tín đồ, chiếm 23% dân số. Thủ tướng nhấn mạnh, không đất nước nào có hàng vạn nhà thờ, nhà chùa, thánh thất như ở Việt Nam; chưa đất nước nào 3 lần được Liên hợp quốc chọn tổ chức Đại hội Phật giáo thế giới Vesak. Điều đó cho thấy Việt Nam là đất nước tự do tôn giáo theo Hiến pháp đã quy định.

Theo Thủ tướng, sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Đây là một trong những cải cách pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp 2013 về một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản hàng đầu, có tác động sâu sắc cho sự ổn định và phát triển của xã hội, của đất nước, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều biến động phức tạp và có nhiều sức ép về vấn đề nhân quyền, dân chủ của các quốc gia lớn đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.

Quan tâm mạnh mẽ tới ứng phó với biến đổi khí hậu

Trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp trước tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã chỉ đạo tích cực, có chương trình hành động cụ thể, trước hết là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí nguồn lực trên 12.000 tỷ đồng cho các chương trình dự án, bổ sung thêm 2.500 tỷ đồng mới đây. Nhiều tỉnh chủ động kêu gọi đầu tư xã hội hóa nguồn lực, hợp tác đầu tư; thành lập Thường trực Ban Chỉ đạo chuyên theo dõi về vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực này. Tuy nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu là rất lớn. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quan tâm mạnh mẽ hơn, nhất là đối với những hạ tầng ưu tiên vào những vấn đề có liên quan để phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình biến đổi khí hậu.

Liên quan đến vấn đề nợ xây dựng cơ bản mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von “cháo nóng húp quanh mà nợ trả dần”. Thủ tướng cho rằng, để thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã bố trí hơn 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng các bộ, ngành Trung ương đã được rà soát (chốt đến tháng 12-2014). Thủ tướng khẳng định Chính phủ cũng như các bộ, ngành sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của Quốc hội. Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí sử dụng quỹ dự phòng chung cho đầu tư trung hạn để giải quyết một số vấn đề về thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đang nợ.

Một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV có thể coi là một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thể hiện thái độ của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, nên còn nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại. 

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả, cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, từ tổ chức thực hiện, từ việc thiếu nguồn lực, nhưng cũng có nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

THU THỦY – TTXVN

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm

Trong ngày chất vấn cuối cùng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trong lãng phí sử dụng sách giáo khoa. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân có nhiều, song trước hết là do việc thiết kế sách giáo khoa hiện hành còn có các dạng bài tập khiến học sinh dễ viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo thì chưa thực sự phù hợp, gây ra sự lãng phí. Với trách nhiệm của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế sự lãng phí. Trong một số sách giáo khoa đã có nội dung hướng dẫn giáo viên và học sinh ghi kết quả làm bài vào vở ghi. Bộ cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách theo hướng tiết kiệm, lâu bền. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này còn hạn chế.

P.V