Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm Trân Châu Cảng: Thông điệp hàn gắn

Thứ bảy, 10/12/2016 09:53

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Shinzo Abe đã khiến cả thế giới bất ngờ với quyết định sẽ đến Hawaii vào cuối tháng 12 này, trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Nhật Bản thăm Trân Châu Cảng sau trận chiến lịch sử kéo Mỹ vào Thế chiến II. Động thái này được xem là thông điệp của Nhật về quyết tâm hàn gắn những vết thương quá khứ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Trân Châu Cảng cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, hình ảnh có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, nỗi đau từ vết thương về trận chiến Trân Châu Cảng đang nguôi ngoai.

Cũng giống như ông Obama, là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm thành phố Hiroshima, với chuyến thăm lịch sử này, Thủ tướng Abe sẽ trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên thăm Trân Châu Cảng - nơi diễn ra cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Nhật vào ngày 7-12-1941, mở màn Thế chiến II thảm khốc tại Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng, đây có thể là “chuyến thăm đáp lễ” chuyến công du của Tổng thống Obama đến thành phố Hiroshima của Nhật - nơi một máy bay Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên vào giai đoạn cuối Thế chiến II.

Các cựu binh Mỹ tham gia trận chiến Trân Châu Cảng dự lễ kỷ niệm 75 năm
xảy ra “cơn ác mộng” kinh hoàng này vào hôm 7-12 tại Honolulu. Ảnh: LATimes

Thông điệp ngoại giao

Và cũng giống như chuyến thăm của ông Obama tới Hiroshima, chuyến thăm lần này của ông Abe cũng sẽ tập trung vào chủ đề hòa giải chứ không đưa ra một lời xin lỗi. Phía Tokyo đã xác nhận, mục đích chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Abe tới Trân Châu Cảng sẽ không nhằm xin lỗi về cuộc tấn công 75 năm trước của Nhật ở đây, cuộc tấn công kéo Mỹ vào Thế chiến II và làm thay đổi tình hình cuộc chiến này.

Ngoài mục đích đầu tiên “được nhìn thấy” của chuyến thăm là để an ủi linh hồn những người đã hy sinh trong cuộc chiến, chuyến thăm của Thủ tướng Abe cũng chính là cơ hội đưa ra thông điệp, thảm họa chiến tranh không được lặp lại... nhấn mạnh giá trị của việc hòa giải Nhật-Mỹ. Mặc dù ông Abe sẽ không tuyên bố lời xin lỗi nhưng bản thân chuyến thăm của nhà lãnh đạo này chính là lời xin lỗi rõ ràng nhất cho hành động tấn công của Nhật trong Thế chiến II.

Bản thân chuyến thăm cho thấy quan hệ đồng minh bền chặt giữa hai cựu thù. Đây rõ ràng là thông điệp ông Abe muốn gửi đến cả Trung Quốc lẫn Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người chỉ trích Nhật là quốc gia “chỉ lo ngồi hưởng thụ sự bảo vệ miễn phí của Mỹ”. Trong bối cảnh Hàn Quốc đang chứng kiến biến động chính trị lớn, chuyến thăm Trân Châu Cảng cũng chính là thông điệp mà Tokyo muốn gửi đến Seoul về hòa giải và tăng cường những thỏa thuận song phương đã đạt được.

“Chúng tôi không bao giờ phải lặp lại những nỗi kinh hoàng của chiến tranh”, ông Abe nói tại buổi họp báo tối 5-12. “Tôi muốn các thế hệ tương lai hiểu được điều này. Tôi cũng muốn làm điều này như một cơ hội để giao tiếp giá trị của hòa giải giữa Nhật và Mỹ. Thủ tướng Abe cũng nói rằng, ông muốn cuộc gặp với Tổng thống Obama là cơ hội thể hiện cho thế giới quyết tâm của Tokyo trong việc duy trì và tăng cường liên minh Nhật - Mỹ.

Chiến lược nắm quyền

Tuy nhiên, theo giới phân tích, mục đích lớn nhất của ông Abe khi công bố chuyến thăm lịch sử này là nhằm đánh lạc hướng dư luận về dự luật hợp pháp hóa sòng bạc, vấn đề vấp phải sự phản đối quyết liệt và gây tranh cãi trên khắp nước này. Hơn một nửa cử tri Nhật phản đối sự ra đời của các sòng bạc, cho rằng, đó không phải là lợi ích công cộng.

Nhưng có lẽ Thủ tướng Abe đã nằm lòng những bài học của Trân Châu Cảng: một cuộc tấn công bất ngờ chính là đòn giáng nặng nề. Bằng cách bất ngờ thông báo ý định đến thăm Trân Châu Cảng, nhà lãnh đạo này đã phần nào “thủ tiêu” các cuộc tranh luận cũng như sự chú ý về dự luật này. Theo các nguồn tin, dự luật này đã được thông qua trong phiên họp toàn thể tại Hạ viện hôm 8-12, đánh dấu bước đi quan trọng trong mục tiêu hợp pháp hóa sòng bạc và đưa nước Nhật trở thành “casino lớn thứ hai Châu Á”, chỉ sau Macao của Trung Quốc.

Đây được xem là chiến thắng ban đầu của Thủ tướng Abe, một chiến thắng mà giới phương tiện truyền thông cho rằng, do họ quá tập trung vào vấn đề Trân Châu Cảng.

Khả Anh