Thủ tướng Pakistan bị phế truất vì tham nhũng

Thứ bảy, 29/07/2017 11:36

Tòa án Tối cao Pakistan ngày 28-7 đã phán quyết tuyên bố ông Nawaz Sharif không đủ tư cách giữ chức Thủ tướng do liên quan tới những cáo buộc tham nhũng trong thời gian dài. Quyết định này buộc ông Sharif phải rời nhiệm sở.

Những người ủng hộ Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) biểu tình phản đối Thủ tướng Nawaz Sharif
ở Lahore hôm 23-7.    Ảnh: CNN

Theo phán quyết của tòa án, ông Sharif “không đủ tư cách là thành viên trong Quốc hội, vì vậy ông ấy phải thôi giữ chức Thủ tướng”.

Ủy ban điều tra đã chỉ ra mối liên hệ giữa ông Sharif với các tài khoản của ông ở nước ngoài cũng như các tài sản ở nước ngoài do 3 người con của ông sở hữu. Sự giàu có của gia đình ông Sharif được tiết lộ trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama hồi tháng 4-2016. Mặc dù ông Sharif không có tên trong Hồ sơ Panama, ủy ban điều tra chung do Tòa án Tối cao thành lập hồi tháng 4-2017 đưa ra kết luận vào giữa tháng 7 rằng, các tài liệu chỉ ra thủ tướng và gia đình ông tham nhũng.

Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama đã gây ra những cuộc biểu tình ở Pakistan. Các nhóm chính trị đối lập kêu gọi thành lập hội đồng điều tra các tài khoản ở nước ngoài của ông Sharif và các con của ông. Đây là lần thứ hai trong năm nay Tòa án Tối cao Pakistan đưa ra phán quyết có liên quan đến ông Sharif. Hồi tháng 4, một ủy ban gồm 5 thẩm phán của Tòa án Tối cao đã đưa ra phán quyết yêu cầu mở cuộc điều tra mới về cáo buộc tham nhũng đối với ông Sharif. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan, một nhà lãnh đạo đương nhiệm đã bị truất quyền hành pháp.

Chính trị gia đáng gờm

Được biết đến với biệt danh “Sư tử của Punjab”, Thủ tướng Sharif, 68 tuổi, là một trong những nhà công nghiệp hóa hàng đầu của Pakistan và cũng là nhà hoạt động chính trị đáng gờm. Ông từng 2 lần giữ chức thủ tướng trước đó.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị lâu dài của ông bị bóp nghẹt vì những sai lầm và cáo buộc tham nhũng, đã buộc ông phải từ chức trong lần đầu tiên làm thủ tướng, sau khi Tập đoàn Ittefaq Industries của gia đình ông phát triển vượt bậc.

Sau khi thắng cử một lần nữa vào năm 1997, ông Sharif đã ra lệnh tiến hành các vụ thử hạt nhân đầu tiên, nhưng việc đối đầu với quân đội hùng mạnh khiến ông sớm phải kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Năm 1999, ông Sharif sa thải tư lệnh quân đội Pervez Musharraf. Tuy nhiên, tướng Musharraf đã phát động cuộc đảo chính và cuối cùng ông Sharif bị bỏ tù vì tội cố ý ngăn chặn chiếc máy bay chở ông Musharraf hạ cánh. Ông Sharif sau đó bị kết án thêm 14 năm tù với cáo buộc tham nhũng, nhưng ông Sharif được thả 6 tháng sau đó khi Riyadh đạt được thỏa thuận cho phép ông đến sống lưu vong tại Saudi Arabia.

Năm 2007, ông Sharif trở về nước sau khi Liên minh Hồi giáo Pakistan Nawaz (PML-N) bắt tay với Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) buộc ông Musharraf rời khỏi nhiệm sở. Ông Sharif tái đắc cử lần thứ ba vào năm 2013, bất chấp những cáo buộc về việc can thiệp bầu cử. Dưới sự lãnh đạo của ông Sharif, trong thời gian qua, Pakistan đã có sự tăng trưởng đáng kể về kinh tế, sự sụt giảm rõ rệt các vụ tấn công khủng bố. Ông Sharif đã đưa ra những sáng kiến về chính sách đối ngoại giúp Pakistan xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với nước láng giềng Trung Quốc cũng như giúp thành lập Hành lang kinh tế quan trọng của Trung Quốc ở Pakistan.

Từ Panama tới Pakistan

Trở ngại mới nhất và cũng là cuối cùng trên con đường chính trị của ông Sharif không phải do chính ông gây ra mà lại liên quan đến vấn đề tài chính của các con ông.

Mặc dù sở hữu tài sản riêng không phải là bất hợp pháp, các đảng đối lập đã đặt câu hỏi liệu tiền để mua chúng có bắt nguồn từ quỹ công hay không. Ba người con của ông Sharif bị cáo buộc thông qua các công ty ở nước ngoài để sở hữu nhiều bất động sản ở London.

Nhóm điều tra chung được Tòa án Tối cao thành lập hồi tháng 4 không thể xác định ông Sharif có liên quan với tham nhũng hay không. Vào thời điểm đó, ông Sharif tuyên bố nếu nhóm điều tra chứng minh ông tham nhũng, ông sẽ từ chức.

AN BÌNH (Theo CNN)