Thủ tướng Pakistan dính bê bối "Hồ sơ Panama"

Thứ bảy, 22/04/2017 10:03

(Cadn.com.vn) - Tòa án tối cao Pakistan ngày 21-4 ra phán quyết hoãn việc truy tố đối với Thủ tướng Nawaz Sharif về cáo buộc tham nhũng, liên quan đến bê bối thuế mang tên "Hồ sơ Panama" gây chấn động hồi cuối năm 2016. Tuy nhiên, cơ quan công tố sẽ tiếp tục điều tra thêm những cáo buộc tham nhũng nhằm vào gia đình ông Nawaz Sharif.

Nawaz Sharif đã sống sót qua phán quyết của tòa nhưng giờ đây đang phải đối mặt
với một cuộc điều tra mới. Ảnh: BBC

"Hồ sơ Panama" tiết lộ những gì?

Sự rò rỉ của 11 triệu tài liệu của Cty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama đã xác định mối quan hệ giữa nhiều lãnh đạo chính trị với các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các Cty và tài khoản ở nước ngoài. Trong số đó có gia đình Thủ tướng Pakistan.

Những tài liệu rò rỉ vào tháng 4-2016 cho thấy 3 người con của Thủ tướng Sharif sở hữu các Cty và tài sản ở nước ngoài song không được kê khai trong tài sản gia đình của ông Sharif. Cho đến nay, các Cty được xác định gồm Nescoll Ltd, Nielsen Enterprises Ltd và Hangon Property Holdings Ltd, được thành lập năm 1993, 1994 và 2007 ở Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các Cty này được sử dụng để chuyển tiền mua các tài sản nước ngoài, bao gồm một số căn hộ dọc theo Park Lane tại khu Mayfair của London. Các công ty này cũng bị cáo buộc giấu, rửa tiền và trốn thuế.

Tháng 11-2016, Tòa án tối cao Pakistan ra lệnh điều tra những cáo buộc tham nhũng liên quan đến các Cty và tài sản ở nước ngoài mà gia đình ông Sharif sở hữu. Trước tòa, ông Sharif và gia đình ông bác bỏ mọi hành vi sai trái. Họ cho biết, tài sản của họ ở London được mua thông qua các khoản đầu tư vào các Cty thuộc sở hữu của gia đình các nhà lãnh đạo Qatar. Ông khẳng định, số tài sản gia đình tích lũy được trong nhiều thập kỷ trước khi ông tham gia chính trường là hoàn toàn hợp pháp. Ngoài ra, Thủ tướng Sharif còn tuyên bố, không có "một xu nào" được chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Thủ tướng cho rằng, việc rò rỉ tài liệu "nhằm vào tôi và gia đình tôi vì những mục đích chính trị".

Hiện, Thủ tướng vẫn chưa bình luận về quyết định của Tòa án tối cao, nhưng các trợ lý hàng đầu của ông cho rằng đây là một chiến thắng của đảng cầm quyền bởi họ từng đề xuất điều tra vụ việc.

Quyết định của Tòa án tối cao?

Quyết định này được đưa ra kết thúc quá trình điều tra kéo dài hàng năm qua, trong đó tòa đã xem xét hàng ngàn trang bằng chứng và lắng nghe các cuộc tranh cãi của luật sư từ cả hai phía.

"Hồ sơ Panama" bị rò rỉ đã xảy ra vào thời điểm chính phủ của ông Sharif vẫn đang tìm cách hồi phục sau cuộc vây hãm Islamabad của nhà chính trị đối lập Imran Khan hồi năm 2014, khiến thủ đô bị tê liệt trong 4 tháng. Trước đó, nhiều người cho rằng, một số nhân vật trong lực lượng an ninh đã ủng hộ các cuộc biểu tình để ngăn chặn ông Sharif thực hiện các sáng kiến về chính sách trong nước và nước ngoài độc lập với quân đội.

Với vụ bê bối "Hồ sơ Panama", chính phủ lại chịu áp lực từ ông Khan và các nhóm nhỏ hơn, những người yêu cầu ông từ chức và đe dọa thêm nhiều cuộc phong tỏa Islamabad khác. Họ đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao yêu cầu truất quyền thủ tướng. Sau nhiều lần bác bỏ, Tòa án Tối cao đã thành lập đội điều tra gồm 5 thành viên vào tháng 10-2016 để bắt đầu điều trần vụ án.

Trong phán quyết lần này, Tòa án không buộc ông Sharif rời khỏi văn phòng chính phủ, thay vào đó, họ yêu cầu các nhà điều tra phối hợp với các cơ quan điều tra dân sự và các cơ quan tình báo quân đội để kiểm tra đường đi của các khoản tiền, lấy lời khai từ những người liên quan. Nhóm điều tra sẽ đệ trình bản báo cáo lên tòa trong vòng 2 tháng.

Các nhà phê bình cho rằng, 2 tháng là không đủ để nhóm điều tra tại Pakistan, UAE, Qatar và Anh, chưa kể đến Panama. Nhiều lãnh đạo phe đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Asif Zardari và ông Imran Khan, yêu cầu thủ tướng từ chức vì việc điều tra không thể công bằng nếu ông vẫn nắm quyền.

Làm ông Sharif suy yếu?

Quyết định của Tòa án Tối cao Pakistan có thể khiến ông Sharif gặp khó khăn trước cuộc bầu cử vào năm 2018. Không khí xung đột sẽ tiếp tục và thậm chí tệ hơn khi các nhà điều tra bắt đầu công việc. Điều này lại đang xảy ra vào thời điểm khi chính phủ để mất nhiều lãnh thổ vào tay quân đội. Nhiều người lo ngại rằng, nếu tiến trình truy tố dẫn tới việc từ chức của Thủ tướng Sharif sẽ gây ra sự xáo trộn chính trị cũng như nảy sinh những bất ổn an ninh tại Pakistan.

An Bình (Theo BBC)