Thừa Thiên Huế: Hành động bất ngờ thú vị của Chủ tịch Phan Ngọc Thọ

Thứ sáu, 11/10/2019 09:45

Ngày 10-10, tại giờ học đạo đức của một số trường học trên địa bàn tỉnh TP Huế (TT-Huế); giáo viên và học sinh đều rất ngỡ ngàng khi ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế vào vai “học sinh”. Nhiều giáo viên thâm niên cho biết, đây là lần đầu trong đời, họ mới chứng kiến hành động “lạ” này.

Ông Phan Ngọc Thọ vào vai “học sinh” tại Trường TH Vĩnh Ninh.

Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống

Tiết học Giáo dục công dân ngày 10-10 của lớp 9/7 Trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế) bất ngờ đón “vị khách” không được báo trước đó là Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ. Đặt vấn đề trước lúc vào tiết học, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ông sẽ cùng ngồi học với các em học sinh môn Giáo dục công dân để nắm được cách dạy cũng như cách truyền đạt về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống thông qua bài giảng trên lớp. “Thầy và trò cứ dạy và học bình thường như mọi ngày, như không có ai ngồi dự trong lớp”- ông Thọ nói.

Sau phần đặt vấn đề ngắn gọn, Chủ tịch UBND tỉnh cùng cả lớp bước vào bài học “Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Như bình thường, tiết học diễn ra trong không khí vui tươi, thoải mái. Giáo viên, học sinh cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những giá trị truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc.

Ngay sau tiết học, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đánh giá cao về cách truyền đạt của thầy giáo đồng thời có những chia sẻ về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là truyền thống văn hóa cũng như cốt cách của con người xứ Huế. “Khi truyền đạt cho học sinh về truyền thống của người Việt Nam, giáo viên cần đưa ra những câu chuyện nhỏ mang tính thực tiễn. Ví dụ như tên trường là Trần Cao Vân thì phải biết ông là ai, có lịch sử như thế nào”- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đề xuất.

Đến với tiết học đạo đức cùng cô và trò Trường Tiểu học Vĩnh Ninh (TP Huế), Chủ tịch UBND tỉnh đã cùng thảo luận và chia sẻ với các em học sinh về nội dung tiết kiệm, chống lãng phí. Chia sẻ với các em học sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, tiết kiệm là bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất như cẩn thận giữ gìn chính sách vở, dụng cụ học tập hàng ngày. “Đạo đức của mỗi người luôn rất quan trọng trong cuộc sống. Việc tiết kiệm, chống lãng phí là điều mà các cháu cần ghi nhớ. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ và các cháu phải tự rèn luyện đạo đức, bắt đầu từ những việc nhỏ, phù hợp với tuổi”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh trước khi gửi lời chào đến học sinh Trường tiểu học Vĩnh Ninh.

Trao đổi với Ban giám hiệu các trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội mà còn góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người. Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trong đó đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Ngành giáo dục sớm tiến hành rà soát, đánh giá nghiêm túc, đề ra nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả, phù hợp cho học sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế (ngoài cùng, bên phải) đang thảo luận với học sinh sau tiết học đạo đức.

Lắng nghe cảm xúc của học sinh

Trường tiểu học Phú Cát (TP Huế) có 930 học sinh. Phụ huynh đa phần buôn bán dạo, đạp xích lô, đi làm thuê làm mướn... nên nhiều người ít có thời gian quan tâm đến con cái. Trước đây, không ít học sinh hay quậy phá, đánh nhau khiến giáo viên vất vả trong quản lý lớp học. Từ khi được chọn làm trường điểm để thực hiện dự án “Trường học hạnh phúc”, giáo viên hướng dẫn các em cách quản lý cảm xúc, quản lý bản thân và cùng học sinh trải nghiệm qua các bài  thực hành chú tâm, kiểm tra cảm xúc, quản lý cảm xúc và lắng nghe... Một ngày mới ở Trường Tiểu học Phú Cát của các em bắt đầu bằng vài phút tĩnh lặng, tập hít thở đúng cách, tập quan sát suy nghĩ của mình. Sau đó, các em lại cùng nhau ngồi thành vòng tròn, chia sẻ chuyện của chính mình và nghe bạn bè cùng kể chuyện. Sau giờ học, các em lại ra vườn, chăm cây, tưới rau...

Cô Lê Mai Lan- Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành (TP Huế)- cho hay, bất cứ đứa trẻ nào cũng được quyền hạnh phúc, nhưng muốn có được hạnh phúc, chúng ta cần có kỹ năng. Cô Lan đưa ra dẫn chứng: Trong trường, có một học sinh thường xuyên không làm bài tập về nhà. Nếu như trước đây, giáo viên sẽ trách mắng học trò và gọi điện nhờ phụ huynh nhắc nhở. Như vậy, mỗi lần vi phạm, cậu bé bị mắng hai lần nhưng tình hình không được cải thiện. Tuy nhiên, khi áp dụng vòng tròn hạnh phúc, cậu học trò tiết lộ, chứng kiến bố mẹ liên tục cãi nhau khiến cậu không thể nào tập trung làm bài tập. Hiểu được nỗi buồn của em, cô giáo dành thời gian cho em xử lý bài tập về nhà tại lớp. Thành tích học tập của cậu bé được cải thiện đáng kể.

Ngày 10-10, sau khi nghe những chia sẻ của cô giáo Trần Lan Phương- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Cao Vân về việc triển khai xây dựng trường học hạnh phúc trong nhà trường, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà trường, các thầy, cô giáo phải luôn nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc; phải làm sao tạo được một môi trường học tập yêu thương, an toàn và tôn trọng cho các em học sinh. “Trường học hạnh phúc” được lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, ứng dụng mô hình học tập cảm xúc và xã hội. Dự án hiện đang được thí điểm tại 6 trường ở bậc tiểu học đến trung học phổ thông tại TT-Huế.

H.LAN