Thừa Thiên - Huế: Lại “nóng” nạn khai thác cát trái phép trên sông

Thứ năm, 16/05/2019 12:33

Thời gian gần đây, tại TT-Huế, nạn khai thác cát trái phép diễn ra càng rầm rộ, tạo thành những điểm nóng hết sức đáng lo ngại, đặc biệt là trên sông Hương và thượng nguồn sông Bồ, bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương cũng như nỗ lực ngăn chặn của người dân.

Hiện trường khai thác khoáng sản trên sông Bồ.

Tổ tự quản bất lực

Đoạn qua thôn Lại Bằng 2 phường Hương Vân, thị xã Hương Trà xảy ra tình trạng hút cát trái phép khiến cho bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Dù thôn đã lập tổ tự quản và cử người túc trực ngày đêm, chèo ghe thuyền ra đẩy đuổi “cát tặc” nhưng tình trạng khai thác cát trái phép ở sông Bồ ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo ông Hồ Phùng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế: Trước nạn “cát tặc” xâm hại, quá bức xúc, người dân dùng cọc tre đóng sâu xuống lòng sông dài khoảng 20m, phía dưới được đắp bằng nhiều lớp đá hộc chắc chắn, có lưới sắt gia cố, phần cọc tre nhô lên mặt sông khoảng 1m để ngăn chặn tàu thuyền lên thượng nguồn hút cát trộm. Nếu không làm như thế, nhiều đoạn bờ sông Bồ đi qua thị xã Hương Trà và H. Phong Điền vốn đang bị sạt lở lại càng sạt lở nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Dùng cọc tre đóng sâu xuống lòng sông để ngăn “cát tặc”, tuy nhiên, việc làm này cũng ảnh hướng đến việc đi lại của thuyền bè trên sông. Chính quyền địa phương một mặt vận động người dân dừng việc đóng và tháo gỡ cọc tre, đồng thời bố trí các biển báo phản quang để cảnh báo tàu, thuyền qua lại trên sông vào ban đêm, mặt khác tăng cường quản lý địa bàn để đẩy đuổi “cát tặc” hoạt động lén lút vào ban đêm.

Người dân các địa phương dọc sông Bồ rất mong sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng tỉnh để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát không đúng quy định ở các khu mỏ được cấp phép và nạn khai thác cát trái phép ở vùng thượng nguồn sông Bồ để hạn chế được tình trạng sạt lở bờ sông, đe dọa đến đất đai sản xuất, nhà cửa và tính mạng của người dân sống ven sông.

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện khai thác cát trên sông Bồ.  Ảnh: H.LAN

“Cát tặc” tấn công người dân

Cuối tháng 3-2019, CATP Huế khởi tố, bắt khẩn cấp Hoàng Trọng Trị (1983) và Hoàng Trọng Đại (1975, cùng trú P. Thủy Biều, thành phố Huế) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích cho ông Hoàng Trọng Niệm (1964, trú P. Thủy Biều, TP Huế) cùng với 8 người dân khi phát hiện 2 chiếc thuyền đang hút cát gần bờ sông Hương đoạn qua địa bàn P. Thủy Biều và tìm cách đẩy đuổi. Các đối tượng đứng ở dưới thuyền ném đá tấn công ngược lên, sau đó xông lên bờ dùng dao, rựa truy đuổi, tấn công. Ông Hoàng Trọng Niệm bị chém trúng đầu, phải vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, tỷ lệ thương tích là 17%.

Theo người dân trong vùng, tình trạng khai thác cát trên sông Hương đoạn P. Thủy Biều thường diễn ra từ 21 giờ hàng đêm, lợi dụng trời tối, lực lượng chức năng khó phát hiện. Lo lắng bờ sông tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng đến diện tích trồng chuối, thanh trà cạnh sông nên người dân tự quản bằng cách xua đuổi như nêu ở trên. Cùng với P. Thủy Biều, các xã Thủy Bằng và xã Dương Hòa cũng hình thành các tổ tự quản, thường xuyên giám sát tình hình khai thác cát sỏi trên sông và kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp khai thác cát sỏi trái phép.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định cho biết, các ngành chức năng đang vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn nạn “cát tặc” để lập lại trật tự trên các con sông. Cùng với mạnh tay xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tìm phương án đầu tư sản xuất cát nhân tạo nhằm thay thế việc khai thác cát lòng sông làm vật liệu xây dựng, có như vậy mới giải quyết tận gốc tình trạng khai thác cát trái phép trên sông.

Tạm dừng việc khai thác khoáng sản trên sông Bồ

Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo tạm dừng việc khai thác khoáng sản trên sông Bồ tại khu vực Khe Bằng và bãi bồi Lương Bằng thuộc thị xã Hương Trà và H. Phong Điền. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương đo đạc, khảo sát, kiểm tra đánh giá hiện trạng các khu vực này theo giấy phép khai thác đã cấp; nếu phát hiện vi phạm, yêu cầu có biện pháp xử lý theo quy định.