Thừa Thiên Huế quyết tâm “lên” thành phố trực thuộc Trung ương?

Thứ bảy, 26/10/2019 08:34

Ngày 25-10, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh TT-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, được tổ chức ngày 25-10 tại TP Huế.

 

Tham gia hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh TT-Huế, các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Ngày 25-5-2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW “về xây dựng, phát triển tỉnh TT-Huế và đô thị Huế đến năm 2020”. Sau 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, TT-Huế đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực. TT-Huế đã dần xác lập được vị trí là đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp theo đúng Kết luận 48-KL/TW. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả tích cực, đô thị Huế được công nhận là “thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “thành phố văn hóa ASEAN”... Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ của Kết luận 48-KL/TW và tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết quả đó vẫn còn những mặt hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo.

Thực hiện chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2019; Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo 182-QĐ/TW để chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị” và giao Ban Kinh tế T.Ư là cơ quan thường trực. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận số 48, đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh TT-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW và 5 năm thực hiện Thông báo 175-TB/TW, bên cạnh những mặt đạt được, TT-Huế cần đánh giá các hạn chế về mức tăng trưởng chưa có tính đột phá; về quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu ngân sách còn thấp và chưa bảo đảm tự cân đối ngân sách. Tỉnh còn thiếu các doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt nền kinh tế đi lên. Và mục tiêu lớn nhất theo Kết luận 48 là “Xây dựng TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư” vẫn chưa đạt được.

Phát triển theo hướng thành phố di sản trực thuộc T .Ư

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, mục tiêu của TT-Huế đến năm 2030, TT-Huế trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; là trung tâm của cả nước về khoa học - công nghệ; là nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc; hệ thống Đảng, hệ thống chính trị giữ vững. Đến năm 2045, TT-Huế trở thành thành phố di sản, thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Trên cơ sở thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh TT-Huế đã đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về cơ chế đặc thù cho tỉnh TT-Huế. “Để TT-Huế sớm trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh thì cần thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù đối với TT-Huế, đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng, di sản, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ; quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, ngân sách...”- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế kiến nghị.

Toàn cảnh hội thảo.

Phải hướng tới xây dựng chất lượng cuộc sống của người dân

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, hiến kế thêm các giải pháp nhằm giúp TT-Huế thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đề xuất một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước như: cần xây dựng, thực hiện cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt nói chung và di sản Huế nói riêng; trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản; khuyến khích thực hiện mô hình hợp tác công tư nhằm khai thác giá trị kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững. Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, dù kinh tế tỉnh TT-Huế tăng trưởng chưa cao nhưng những năm qua, tỉnh đã giữ gìn, phát huy được các giá trị văn hóa di sản, bảo vệ di sản. Vì thế cần có chính sách đặc thù để giúp tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, rút ngắn chênh lệch phát triển kinh tế với các địa phương.

Kết luận hội thảo, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, TT-Huế là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Trong 10 năm qua, tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình phát triển, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Việc xây dựng định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới cần dựa trên những yếu tố đặc thù, lợi thế so sánh riêng có của TT-Huế so với những địa phương khác, đó chính là di sản văn hóa và con người Huế. Phát triển TT- Huế theo hướng thành phố di sản trực thuộc T.Ư sẽ tạo ra cơ chế để huy động được nhiều hơn sự quan tâm đầu tư từ T.Ư bởi Huế là cố đô, là di sản quốc gia, di sản thế giới, là thương hiệu của đất nước.

“TT-Huế phải hướng tới xây dựng chất lượng cuộc sống của người dân khá giả về vật chất, có đời sống tinh thần phong phú, gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh phát triển du lịch, TT-Huế cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, công nghiệp sạch thân thiện môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao”- Trưởng Ban Kinh tế T.Ư đề nghị.

HẢI LAN