Thông xe kỹ thuật cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ:

Thúc đẩy liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Thứ năm, 03/08/2017 10:48

Ngày 2-8, tại Trạm thu phí Túy Loan (xã Hòa Tiến, Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) long trọng tổ chức thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm đoạn tuyến Túy Loan đi Tam Kỳ (hợp phần JICA tài trợ) thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Cao tốc Túy Loan – Tam Kỳ tuyến cao tốc đầu tiên của miền Trung, giúp rút ngắn khoảng 1/2 thời gian di chuyển từ Đà Nẵng – Tam Kỳ và ngược lại.

Tham dự buổi lễ quan trọng này có các ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ CA; ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam  và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.

Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và VEC cắt băng khánh thành cao tốc Túy Loan – Tam Kỳ.

Khai thác tuyến cao tốc đầu tiên của miền Trung

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án trọng điểm quốc gia và là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung, nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được khởi công xây dựng ngày 19-5-2013. Với tổng chiều dài toàn tuyến 139,52km đi qua địa phận Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km và đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A dài 8,02km, được chia làm 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1.640,82 triệu USD (tương đương 34.516 tỷ đồng, trong đó vốn vay JICA 798,5 triệu USD và vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB 590,3 triệu USD). Riêng đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn JICA có chiều dài 65km (điểm đầu tại nút giao Túy Loan (Km0+000) và điểm cuối tại nút giao Tam Kỳ - Km65+000) được chia thành 8 gói thầu xây lắp chính và 5 gói thầu phụ trợ. Công trình thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120km/giờ; quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,25m, chiều rộng mặt đường 22,25m. Riêng đoạn tuyến nối với Quốc lộ 1A theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Sau hơn 4 năm thi công xây dựng, tuyến JICA thuộc cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã hoàn thành với khối lượng các hạng mục thi công lớn, bao gồm thi công 1 hầm chui qua núi Eo; 59 hạng mục cầu với tổng chiều dài hơn 7.000m, trong đó có 52 cầu trên chính tuyến; 4 nút giao (Túy Loan, Mỹ Sơn, Hà Lam và Tam Kỳ) cùng 4 trạm thu phí và Trung tâm điều hành chính tại Túy Loan (Km4+000); 75 hầm chui dân sinh; 74 cống hộp, 115 cống tròn thoát nước và 570 hố thu nước; trên 900.000m3 cấp phối đá dăm, 700.000 tấn bê- tông nhựa các loại và nhiều hạng mục quan trọng khác...

Theo VEC, điểm nhấn trên đoạn tuyến này chính là hầm qua núi Eo (Km 22+485 - Km 23+041), thuộc gói thầu số 4, được thiết kế và thi công theo phương pháp đào hầm kiểu mới của Áo (NATM). Hầm có thiết kế hầm đôi, gồm 2 hầm đơn: hầm đi về phía Bắc có chiều 556m, hầm đi về phía Nam có chiều dài 515m. Đường trong hầm có tốc độ thiết kế 120km/giờ, chiều rộng đường 12m. Để phục vụ thi công đoạn tuyến JICA, tổng diện tích đất phải thu hồi khoảng 560ha, với 9.300 hộ gia đình bị ảnh hưởng; bố trí tái định cư tập trung và tại chỗ cho 1.254 hộ gia đình với việc bố trí 1.745 lô đất; di dời khoảng 80 công trình công cộng... Trong quá trình khai tuyến thác tạm tuyến JICA, VEC tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án để đưa dự án khai thác chính thức vào cuối năm 2017 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Thông xe kỹ thuật đưa vào khai thác tuyến cao tốc Túy Loan - Tam Kỳ.    Ảnh: CÔNG HẠNH

Cơ hội tốt kết nối  giao thương

Theo lãnh đạo VEC, việc hình thành tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, góp phần phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia qua Hành lang kinh tế Đông - Tây đến các cảng biển miền Trung  Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: Một trong những thành công lớn của dự án chính là sự nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công và sự hợp tác của người dân vùng giải tỏa với việc bàn giao mặt bằng hàng trăm héc-ta đất, hàng ngàn căn nhà cho chủ đầu tư dự án để công trình được thi công đạt tiến độ tốt. Việc hình thành tuyến cao tốc này mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi đây là “đoạn đường trong mơ” của nhân dân 3 địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Như chúng ta đã biết, sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng của 3 địa phương này hầu như nghèo nàn, không đường sá. Trong khi đó hàng ngày, hàng giờ phải đương đầu với những đe dọa của thiên tai, bão lũ, và sự chia cắt của không gian địa lý, rất khó khăn trong việc kết nối giao thương. Hôm nay, có thêm tuyến đường cao tốc đi qua, chúng ta sẽ có lợi thế to lớn, không chỉ nhân dân các tỉnh thành các địa phương đi lại thuận tiện, TNGT giảm, mà chính quyền, các nhà đầu tư cũng được hưởng lợi rất nhiều trong khâu kết nối giao thương.

“Rồi đây, lãnh đạo của 3 địa phương chúng ta sẽ còn phải ngồi lại với nhau để xúc tiến bàn bạc và thực hiện những kế hoạch, chiến lược liên kết phát triển kinh tế. Chúng ta phải suy nghĩ để tái cấu trúc lại nền kinh tế, thực hiện lại việc phân công, bố trí lại nguồn lực sản xuất và lao động để phát huy tối đa các tiềm lực to lớn của mỗi địa phương. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ tiếp tục với chiến lược phát triển về công nghệ cao, thương mại, dịch vụ; Quảng Nam là trung tâm công nghiệp và du lịch; Quảng Ngãi là trung tâm công nghiệp, trung tâm lọc hóa dầu. Ba trung tâm kinh tế lớn này đều có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp. Và sự hiện diện của tuyến cao tốc sẽ là điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế vùng và khai thác hết những tiềm lực kinh tế mà các địa phương đang sở hữu” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Quan tâm hơn đến nhiều dự án có động lực liên kết

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng mong rằng, trong chương trình phát triển các dự án trọng điểm, Chính phủ và Bộ GTVT sẽ quan tâm hơn đến nhiều dự án có động lực liên kết, phát triển kinh tế vùng như QL14B, 14G, nâng cấp mở rộng sân bay Đà Nẵng, di dời nhà ga, đầu tư cảng Liên Chiểu, các tuyến đường kết nối dự án ven biển miền Trung, mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây 2... Bởi khi có những dự án này, chắc chắn sẽ giúp các địa phương, nhà đầu tư phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của mình trên đường phát triển.

Phát biểu trước giờ cắt băng khánh thành dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá cao các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công để công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sớm phục vụ nhân dân, các nhà đầu tư của miền Trung, đồng thời nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam (tuyến mà Bộ GTVT đang hoàn chỉnh đề án để trình với Quốc Hội sắp tới để quyết định đầu tư nối từ Bắc vào Nam). Và tuyến Đà Nẵng Quảng Ngãi khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại của các tỉnh miền Trung, phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, đồng thời tạo điều kiện kết nối các khu kinh tế của khu vực, đặc biệt là thu hút đầu tư của các tỉnh, góp phần đảm bảo TTATGT, giảm TNGT.

“Hôm nay đoạn hợp phần JICA tài trợ đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư đến với vùng đất này, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc trên tuyến và khu du lịch sinh thái biển của miền Trung. Đây cũng là dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của nhân dân cả nước nói chung, các địa phương của miền Trung nói riêng. Tôi mong các đơn vị thi công tiếp tục nỗ lực phấn đấu để toàn tuyến cao tốc  Đà Nẵng – Quảng Ngãi hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2018” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

CÔNG HẠNH