Thúc đẩy phổ cập số cho giới trẻ Việt Nam
Ngày 9-10, tại Hà Nội Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số cho cha mẹ Việt Nam”, trước thềm Hội nghị ASEAN - UNICEF về "Chuyển đổi Kỹ thuật số trong hệ thống giáo dục của các nước ASEAN".
Tại tọa đàm, các diễn giả đều là chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau về giáo dục nêu bật những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách số; giúp cho thế hệ trẻ phát triển được các kỹ năng chuyển đổi cần thiết để nắm bắt cơ hội trong thời đại số.
Trong thời gian dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến. Nhưng nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số, không có các thiết bị điện tử để học tập. |
Còn nhiều khó khăn
Chia sẻ tại diễn đàn, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam Rana Flowers chia sẻ, trong thời gian dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, trẻ em phải chuyển sang học trực tuyến. Nhưng nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số, không có các thiết bị điện tử để học tập, nếu có thì chủ yếu là các em trai sẽ được sử dụng. Các em cũng phải đi bộ rất xa để đến nơi có kết nối internet tải bài học về và sử dụng. Bên cạnh đó, không phải giáo viên nào cũng biết cách sử dụng công cụ dạy học trực tuyến một cách thân thiện với trẻ em.
Bà Đậu Thúy Hà, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Cty Cổ phần Đào tạo Quản lý Trực tuyến OMT cho rằng, để việc phổ cập số vì tương lai của mọi trẻ em Việt Nam thực sự diễn ra được thì cần phải có 4 yếu tố. Đó là sư sẵn sàng của người dạy, thầy cô giáo, phụ huynh; sự sẵn sàng của người học; sự sẵn sàng của học liệu và thiết bị thông minh. Tuy nhiên, bà Đậu Thúy Hà cho rằng, hiện nay, yếu tố sẵn sàng của thầy cô giáo, phụ huynh hay học sinh vẫn còn hạn chế, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số do không có thiết bị thông minh, mạng Internet nên khả năng tiếp cận công nghệ số, các học liệu là rất khó.
Bên cạnh đó, tài nguyên học tập trực tuyến ở nước ta hiện cũng chưa sẵn sàng, nhất là cho những đối tượng đặc biệt. Ví dụ, trong thời gian dịch Covid -19 thì trẻ em khiếm thính cấp tiểu học mới chỉ có 20 bài giảng trực tuyến môn Toán và 20 bài giảng trực tuyến môn Tiếng Việt. Đồng thời, tài liệu để dạy học bằng tiếng dân tộc dành cho các trẻ em miền núi hầu như không có. Nước ta có tới 54 dân tộc thiểu số nhưng việc phổ cập giáo dục hiện mới có 6 ngôn ngữ được dạy.
Giải pháp nào?
Việc học online đem lại nhiều lợi ích do tiết kiệm chi phí, thời gian cho người học. Tuy nhiên, việc học online đối với học sinh không đơn giản như đối với người lớn do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với các em trên môi trường mạng như: bắt nạt, xâm hại… Nhiều bậc phụ huynh cũng lo sợ con cái thay vì học tập lại sa đà vào trò chơi điện tử hay các thông tin nguy hiểm, độc hại…
GS-TS Hồ Tú Bảo cho rằng: Các phụ huynh cần thay đổi thói quen, cách suy nghĩ; phối hợp với con cái và nhà trường trong việc học tập trực tuyến; chia sẻ, thấu hiểu, kết hợp tìm giải pháp hỗ trợ con tham gia môi trường mạng an toàn. Đồng thời, phụ huynh cũng cần tăng cường cho trẻ các kỹ năng số như: Có thể sử dụng được các thiết bị thông minh, biết cách nghiên cứu, sử dụng thông tin và bảo vệ danh tính của mình trên mạng, cách sử dụng không gian mạng một cách an toàn…
Công nghệ thông tin và ngoại ngữ là công cụ cần thiết trong xã hội số nhưng xã hội muốn phát triển thì cần rất nhiều người giỏi trong các lĩnh vực khác nhau. Do đó, các bậc phụ huynh nên định hướng nghề nghiệp cho con theo sở trường, sở thích. Bên cạnh đó, muốn phổ cập số cần có thiết bị thông minh, nên cần kêu gọi các nhà sản xuất phần cứng tại Việt Nam sản xuất các thiết bị giá rẻ để tiến tới trang bị thiết bị cho giáo viên, nhóm học sinh ở những nơi khó khăn. Và thực tế là để cho hơn 23 triệu học sinh cùng phổ cập số thì rất cần có giải pháp đồng bộ...
P.V