Thúc đẩy thực thi hiệp định TFA

Thứ bảy, 18/12/2021 21:10

Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) đã được nhiều nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO) bỏ phiếu thông qua và có hiệu lực từ tháng 2-2017. Việc thực thi TFA được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh sự luân chuyển, thông quan và giải phóng hàng hóa; mở ra một thời kỳ mới cho cải cách, tạo thuận lợi thương mại và tạo ra một động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế, mang lại lợi ích chung cho các quốc gia thành viên WTO, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK).

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng).

Chưa quan tâm đúng mức

TFA hữu ích như vậy, tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), hiện có tới 95% doanh nghiệp hoạt động XNK ở khu vực miền Trung không biết hoặc chỉ biết sơ bộ về TFA. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến TFA, thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa biết về hiệp định này. Điều này làm giảm những lợi ích to lớn mà TFA mang lại cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, số ít 5% doanh nghiệp còn lại đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của TFA đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, XNK nói riêng của họ. Từ đó, các doanh nghiệp này đã khai thác những lợi thế từ việc thực thi TFA như: giảm thời gian thông quan, giảm chi phí thương mại, giảm rủi ro kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh XNK, mở rộng thị trường… 

Điển hình là Cty CP Cao su Đà Nẵng (DRC). Theo ông Hà Phước Lộc - Phó Tổng Giám đốc DRC, việc nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu cũng như ký kết nhiều hiệp định thương mại, trong đó, có TFA đã tạo thêm nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DRC nói riêng đẩy mạnh XNK, mở rộng thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch  COVID-19, xuất khẩu đã trở thành bệ đỡ cho kinh tế đất nước, cứu cánh của doanh nghiệp. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 50% doanh số của DRC, riêng năm nay, có thể đạt hơn 110 triệu USD, tăng hơn 30% so với năm trước. "Hàng tháng, DRC làm hơn 200 tờ khai xuất khẩu. Ghi nhận của chúng tôi là trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2021, ngành Hải quan nói chung, Cục Hải quan Đà Nẵng nói riêng đã có những cải cách rất lớn trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như thủ tục thông quan, tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp", ông Hà Phước Lộc chia sẻ thêm. 

Kỳ vọng hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm thực hiện các điều khoản của TFA theo đúng lộ trình cam kết với WTO, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chính phủ đã cho thí điểm áp dụng cơ chế tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương tại 6 tỉnh, thành, trong đó, có TP Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, ngày 10-5-2021, UBND TP đã có Quyết định số 1599/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo tạo thuận lợi thương mại TP Đà Nẵng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và ngày 3-12 vừa qua, Ban chỉ đạo đã làm lễ ra mắt để triển khai nhiệm vụ giúp UBND TP điều phối các hoạt động liên quan đến tạo thuận lợi thương mại trên địa bàn TP, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Chia sẻ tại lễ ra mắt Ban chỉ đạo, bà Nguyễn Thị Cẩm Bình - Cố vấn thương mại của USAID tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai các cam kết của TFA. Đà Nẵng là một trong những địa phương áp dụng thí điểm cơ chế này nhằm thúc đẩy hoạt động XNK, giúp cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới việc XNK hàng hóa; đồng thời kỳ vọng thông qua dự án này, Đà Nẵng sẽ trở thành một hình mẫu tích cực về cơ chế tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương cho các tỉnh, thành khác học tập và áp dụng.

Theo Phó Tổng Giám đốc DRC Hà Phước Lộc, những dự án như Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ rất có ý nghĩa, giúp cho Việt Nam tiếp tục cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK, cải thiện công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK… Qua đó, góp phần cải thiện sức cạnh tranh thương mại cho Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp XNK nói riêng. Để góp phần thúc đẩy thực thi TFA và thực hiện có hiệu quả dự án này trên địa bàn TP, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng cần tăng tính tương tác giữa doanh nghiệp XNK và các đơn vị hải quan hơn nữa cũng như tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong XNK hàng hóa.

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Ban chỉ đạo mong muốn thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại; sự vào cuộc của các sở, ban, ngành; sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần giúp cho việc thực hiện các thủ tục thông quan tại TP Đà Nẵng nhanh gọn hơn, tiết kiệm được chi phí thương mại lẫn thời gian để hàng hóa qua cảng Đà Nẵng thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn… Đồng thời cho biết, Ban chỉ đạo sẽ thường xuyên tham vấn, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp XNK - đối tượng thụ hưởng chính từ TFA nói chung, dự án do USAID tài trợ nói riêng để trên cơ sở đó, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh nói chung, XNK nói riêng...

PHÚ NAM