Thúng chai còn một chút này

Thứ sáu, 28/02/2014 10:57

(Cadn.com.vn) - Nhiều người dân Mân Thái (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bao đời nay vẫn gắn bó với nghề đan thuyền thúng. Nó vừa là phương tiện đi lại, mưu sinh, vừa là hàng hóa quảng bá hình ảnh du lịch biển trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay, bởi nhiều lý do thúng Mân Thái đang đứng trước nguy cơ mai một.

Ông Phan Liêm (69 tuổi), một trong số ít người  còn bám trụ với nghề đan thuyền thúng lý giải: "Tên gọi thúng chai, hoặc thúng rái bắt nguồn từ loại dầu rái dùng để quét trên bề mặt thúng, loại dầu này được lấy từ nhựa cây dầu rái trên núi". Học nghề từ cha mình, đến nay ông Liêm đã trải qua hơn 35 năm sóng gió với thúng chai. Tóc đã bạc và nước da đã ngả màu sương gió nhưng mỗi ngày từ tờ mờ sáng đã thấy bóng ông cùng con, cháu ra trại làm thúng. Ông thú thực: "Cha tôi học nghề ni ở Duy Xuyên rồi về đây hành nghề. Lúc trước nghề ni "thịnh" lắm, làm tối ngày nhưng vẫn không kịp giao cho khách. Tôi hay phụ giúp cha rồi cũng theo nghề ni lúc nào không hay. Và con cháu tôi bây giờ cũng "tập tành" theo nghề này. Nhưng hiện giờ làm để giữ nghề thôi".

Vợ và con trai ông Liêm vót nan chuẩn bị cho "mẻ" thúng tiếp theo.

Thúng chai ở Mân Thái có hai loại: loại hình tròn và loại hình hột xoài có gắn động cơ. Để cho ra đời một chiếc thúng hoàn chỉnh phải tiến hành các công đoạn từ chọn tre già tuổi (thường chọn tre đất thịt hơn tre đất cát bởi độ dẻo và bền cao hơn), chẻ tre, vót nan, đan thúng, tạo khung, uốn vành cho đến quét dầu và phơi khô 3, 4 lượt nắng. Để một chiếc thúng "xuất xưởng" cần thời gian khoảng 1 tuần, với những loại thúng lớn phải mất từ một đến 2 tháng mới hoàn thành. Ông Liêm giải thích: "Làm thúng khó nhất là công đoạn tạo khuôn và uốn vành. Một chiếc thuyền thúng thành phẩm phải chở được trên dưới 8 người, vì vậy phải tính toán rất tỉ mỉ, nếu làm to quá hay nhỏ quá đều không dùng được. Uốn cái ni chưa chắc kỹ sư, thợ cơ khí đã tính toán được đâu. Chỉ những người lâu năm trong nghề mới "xử lý" chính xác", ông Liêm tỏ vẻ hãnh diện về tay nghề.

Mặt trời lên quá đỉnh đầu, cũng là lúc con cháu ông Liêm kéo thúng ra bãi phơi. Anh Phan Văn Ánh (con trai ông Liêm) tiết lộ: "Để hoàn thành một chiếc thúng, yếu tố quan trọng nhất là phải quét một lớp phân bò trên bề mặt thúng đem phơi khô trước khi quét lớp dầu rái. Đây là kinh nghiệm cha ông truyền lại để trít các mạch đan không bị hở, làm tăng tuổi thọ cho thúng".

Ông Phan Liêm thực hiện công đoạn cuối cùng của một chiếc thúng.

Thông thường, một chiếc thúng rái cỡ nhỏ nhất được bán với giá khoảng 1 đến 2 triệu đồng, cỡ lớn hơn dao động từ 3 đến 6 triệu đồng. Đặc biệt với loại thúng hột xoài dùng gắn động cơ, thường đòi hỏi trải qua công đoạn phức tạp hơn, cũng như kích thước lớn hơn cho nên giá từ khoảng 10 triệu đồng trở lên. Thúng chai không chỉ được sử dụng ở trên địa bàn của Đà Nẵng, các vùng khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi mà còn được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài như Anh, Pháp, Australia... Tuy nhiên, không "vang tiếng" như chúng, những người thợ tạo ra chúng ngày càng "lênh đênh" với nghề, bởi vậy hiện ở Đà Nẵng số người còn bám trụ với nghề đan thuyền thúng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Riêng ở Mân Thái, chỉ còn 2 trại làm thúng là gia đình ông Liêm và gia đình ông Bùi Tân (67 tuổi). Nghề đan thuyền thúng đứng trước nguy cơ bị mai một. Ông Liêm trải lòng: "Từ khi thuyền thúng bằng nhựa ra đời thì các đơn đặt hàng cũng giảm đi. Mỗi "mẻ" thúng gia đình chỉ dám làm từ 4 - 5 chiếc vì sợ... không bán được. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu giờ cũng khan hiếm hơn xưa. Riêng phân bò mà đã phải về tận Hòa Vang mới có. Chưa kể đến việc lớp trẻ ngày nay chê công việc này cực nhọc, bỏ đi kiếm công việc khác".

Đã 4 đời nhà ông Liêm theo nghiệp đan thuyền thúng, nhờ nghề này mà ông xây được nhà và lo cho con cái ăn học. Đến nay, khi tuổi đã xế chiều, ông Liêm lại canh cánh sợ con cháu không thể sống nổi với nghề. Thi thoảng, gia đình ông cũng được đón những đoàn sinh viên hoặc khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Đây có thể nói là những tín hiệu vui, nhưng niềm vui ấy thoáng qua như cơn gió nhẹ, còn nỗi âu lo cho nghề truyền thống lụi tàn lại luôn hiển hiện như sóng biển trước mặt: thúng chai còn một chút này thôi sao?

Hồng Phượng