Thung lũng Swat - thiên đường hay địa ngục? (3)

Thứ hai, 23/02/2009 00:00

Xem lại kỳ trước: Thung lũng Swat - thiên đường hay địa ngục? (2)

Kỳ cuối: Vẫn là “mối đe dọa chung” đối với Mỹ - Pakistan - Ấn Độ

(Cadn.com.vn) - Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động và đứng đầu kể từ năm 2001 đến nay đang đứng trước những thử thách vô cùng gay go và phức tạp. Nếu chiến trường Iraq được gọi là tạm ổn, Mỹ và lực lượng liên quân bắt đầu rút quân, thì Afghanistan vốn rất dễ dàng khi lật đổ chế độ Taliban, nhưng nay lại là nơi nóng bỏng nhất mà Washington và các đồng minh phải đối phó.

Ngày 18-2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức quyết định tăng 17.000 quân, đồng thời kêu gọi các đồng minh cùng tăng quân và thực hiện hàng loạt các chiến dịch quân sự mạnh mẽ nhằm truy quét các phần tử nổi dậy do Taliban đứng đầu. Ngay cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng vừa đưa ra lời cảnh báo Tổng thống Obama rằng, nếu không có cách giải quyết hợp lý sẽ đi lại vết xe đổ của Anh và Nga tại Afghanistan trước đây, đồng nghĩa với việc nước Mỹ đối mặt với một Việt Nam thứ hai ở nước này. Một nhân tố không kém phần quan trọng là cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan nói riêng và cả khu vực Nam Á nói chung sẽ không thành công nếu bỏ qua nhân tố Pakistan, mà khu vực Thung lũng Swat là điểm nóng hết sức đặc biệt.

Nếu nhìn trên toàn cầu, mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo cực đoan tại khu vực Nam Á là hết sức phức tạp và vô cùng nguy hiểm. Các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pakistan, Afghanistan... cũng như mạng lưới của chúng lan rộng ra nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho nền an ninh của đất nước. Do vậy, đề tài hàng đầu trong chương trình thảo luận của đặc sứ Hoa Kỳ Richard Holbrooke với các quan chức an ninh cấp cao tại Islamambad và New Delhi nhân chuyến công du của ông là lực lượng Taliban và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.

 Cuộc sống trở lại bình thường ở Mingora, Thung lũng Swat sau khi chính phủ Pakistan ký thỏa thuận với những người Hồi giáo mở đường cho việc thực thi Luật Shariah. Ảnh: AP

Tại New Delhi, sau cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Pranab Mukherjee của Ấn Độ, ông Holbrooke nói với các phóng viên báo chí rằng Ấn Độ, Mỹ và Pakistan phải đối phó với mối đe dọa chung từ các nhóm Hồi giáo tranh đấu bằng bạo lực. Ông Holbrooke đã phát biểu như vậy vào ngày chính phủ Pakistan ký thỏa thuận với những người Hồi giáo theo chủ trương cứng rắn, mở đường cho việc thực thi Luật Hồi giáo Shariah tại khu vực Thung lũng Swat ở Pakistan. Đặc sứ Holbrooke nói: “Những diễn biến tại Thung lũng Swat cho thấy một điểm chính yếu - đó là cả Mỹ, Ấn Độ và Pakistan đều phải đối diện với một mối đe dọa chung.

Lần đầu tiên trong 60 năm kể từ khi Ấn Độ độc lập, cả quốc gia của quý vị, Pakistan và Mỹ đều đối diện với một kẻ thù chung vốn đang tạo ra một mối đe dọa cho các nhà lãnh đạo, cho các thủ đô và nhân dân của 3 nước. Tôi đã trò chuyện với những phần tử đến từ Thung lũng Swat và họ tỏ ra khá đáng sợ. Tôi đã cố thảo luận về vấn đề Thung lũng Swat nhiều lần, khu vực này thực sự ảnh hưởng sâu rộng tới dân chúng Pakistan không chỉ ở Peshawar mà còn cả ở Lahore và thủ đô Islamabad...”. Ông Holbrooke là người đặc trách chiến lược tại Nam Á của chính quyền Tổng thống Obama, và đây là chuyến công du đến khu vực đầu tiên của ông. Holbrooke nói rằng, ông không mang theo một “thông điệp hay một chỉ dẫn nào, nhưng chỉ muốn lắng nghe quan điểm của chính phủ Ấn Độ về một loạt vấn đề.

Dư luận tin rằng các quan chức chính phủ Ấn Độ có chung quan điểm Pakistan là trung tâm của khủng bố, và họ hối thúc Mỹ cùng phương Tây phải tăng áp lực đòi Islamabad triệt hạ các “cơ sở hạ tầng của khủng bố” trên lãnh thổ Pakistan. New Delhi cũng không hài lòng về việc Mỹ viện trợ quân sự cho Pakistan để chống các phần tử Hồi giáo cực đoan. Theo các nhà quan sát, một phần nhiệm vụ trong chuyến công du này của ông Holbrooke là cố gắng giảm bớt tình trạng mất tin tưởng lẫn nhau đang ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp theo sau các vụ tấn công khủng bố tại Mumbai hồi tháng 11 năm ngoái. Tuần trước, chính phủ Pakistan thừa nhận rằng âm mưu của các cuộc tấn công khủng bố này một phần được thực hiện trên lãnh thổ của họ và đang xem xét đưa các điều tra viên tới Ấn Độ để củng cố hồ sơ vụ án. Ấn Độ nói rằng Pakistan quá chậm chạp trong việc thừa nhận này.

Trong khi đó, Ấn Độ đã chính thức tố cáo Taliban là một “hiểm họa đối với loài người” chỉ vài ngày sau khi Pakistan ký thỏa thuận với các chiến binh Hồi giáo cho phép thực thi Luật Hồi giáo SHARIAH kiểu Taliban tại một khu vực giáp giới Afghanistan. Bình luận về thỏa thuận trên giữa Islamabad với các chiến binh ủng hộ Taliban tại Thung lũng Swat, Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee khẳng định Taliban không là gì khác ngoài một “tổ chức khủng bố”. Ông nói: “Taliban không tin vào điều gì ngoài sự hủy diệt và bạo lực. Theo đánh giá của tôi, Taliban là một hiểm họa đối với loài người và nền văn minh”. Trong khi New Delhi còn đang cân nhắc phản ứng của mình đối với thỏa thuận vừa được ký kết trên, các bài xã luận của báo giới Ấn Độ đã không hề úp mở, cảnh báo những tác động có thể có đối với cuộc nổi dậy của dân quân Hồi giáo chống lại chính quyền Ấn Độ tại khu vực Kashmir đang tranh chấp.

Rõ ràng, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan đều có những lợi ích và mối quan tâm riêng về vấn đề khủng bố và chống khủng bố. Cách nhìn nhận và xử lý của Mỹ, Ấn Độ, Pakistan đối với Taliban, các nhóm dân quân Hồi giáo cũng có những dị biệt. Tuy nhiên, bảo vệ an ninh quốc gia, chống lại những đe dọa khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra thì ở khía cạnh nào đó giữa họ cũng có những nét tương đồng. Lời cảnh báo của Holbrooke thông qua những diễn biến tại Thung lũng Swat có làm cho cả Ấn Độ và Pakistan cùng xích lại gần nhau hay không vẫn là ẩn số lớn và là thử thách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama.

Lê Minh Châu