Thung lũng Swat - thiên đường hay địa ngục?

Thứ sáu, 20/02/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Thung lũng Swat nằm ở phía tây bắc Pakistan, cách thủ đô Islamabad chưa đầy 160km, giáp giới với Ấn Độ và Afghanistan. Đây là vùng núi cao, hiểm trở, có nhiều địa danh nổi tiếng từng được ví như một thiên đường của Pakistan, hằng năm thu hút nhiều triệu khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu và hoạt động trượt tuyết về mùa đông, tránh nắng về mùa hè. Giới chức Pakistan ước tính  khu vực này có khoảng 1,5 triệu dân với nhiều bộ tộc sống ở các sườn núi đá cao hẻo lánh, ở thung lũng... Những năm gần đây, nhất là sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 xảy ra tại Mỹ và cuộc chiến tranh  tại Afghanistan, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban, Thung lũng Swat trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế và cả chính quyền Mỹ lẫn  Islamabad, New Delhi.

Kỳ 1:  Nắm quyền kiểm soát bằng luật Shariah

Sau khi chính quyền Taliban ở Afghanistan sụp đổ, Thung lũng Swat lại trở thành thánh địa không chỉ của Taliban ở Pakistan mà cả lực lượng Taliban của đất nước láng giềng. Các nhân vật chủ chốt của Taliban đã dựa vào Thung lũng Swat để lẩn trốn, tổ chức lực lượng  để khôi phục các hoạt động chống phá ngay tại Pakistan và xâm nhập về Afghanistan hoạt động. Những năm gần đây, các chiến binh Hồi giáo cực đoan đã bắt đầu gieo rắc sợ hãi cho cư dân và cả quan chức chính quyền tại các dãy núi thuộc Thung lũng Swat và hiện giờ khu vực này là nơi rất nguy hiểm đối với các phóng viên Pakistan lẫn nước ngoài. Các cuộc phỏng vấn của báo chí đối với cư dân, nghị sĩ và quan chức địa phương trốn khỏi khu vực này đang vẽ nên một bức tranh thảm khốc và sợ hãi của một vùng đất vốn từ lâu khá yên bình.

Một vụ đánh bom khủng bố ngày 28-12-2008 tại Buner, khu vực giáp ranh với Thung lũng Swat, nơi trước đây nổi tiếng là an toàn làm 40 người chết và bị thương. Ngày 19-1-2009, các phần tử Taliban đã tấn công vào  5 trường học ở thị trấn Mingora thuộc Thung lũng Swat gồm 2 trường nữ sinh và 3 trường nam sinh. Các trường học này đều đang đóng cửa để nghỉ đông, do đó không xảy ra thương vong. Vụ tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Thông tin Pakistan Sherry Rehman cho biết sẽ mở lại 400 trường học vào ngày 1-3 tới, bất chấp những lời đe dọa của lực lượng Taliban có mặt tại đây. Cuối năm 2008, lực lượng Taliban đã phát thông điệp trên một đài phát thanh bất hợp pháp của vùng, cấm các bé gái đến trường từ đầu năm 2009 và đe dọa những ai không thực hiện lệnh này sẽ bị bắt cóc hoặc bị chặt đầu ngay tức khắc.

 Các trường học ở Thung lũng Swat đã được mở cửa trở lại. Ảnh: Reuters

Không những vậy, để ngăn cản các học sinh đến trường, lực lượng Taliban đã phá hủy 252 trường học, nhất là các trường học có nữ học sinh Thung lũng Swat. Ngày 28-11-2008, Taliban đã bắt cóc 12 nữ sinh ở Thung lũng Swat càng làm cho khu vực này trở nên bất ổn. Gần đây nhất, ngày 3-2, khi màn đêm buông xuống, hàng ngàn chiến binh Taliban đã bao vây một đồn cảnh sát ở thị trấn Mingora, thị trấn lớn nhất Thung lũng Swat. Nhiều binh sĩ Pakistan được huy động để phá vỡ vòng vây Taliban nhưng không thành công. Hiện cảnh sát Pakistan vẫn chưa xác định được nơi  Taliban giam giữ những cảnh sát bị bắt.

Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế ước tính, 80% thung lũng này đang thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Taliban. Các chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Thung lũng Swat do Maulana Soofi Mohammed (thủ lĩnh nhóm Tehrike-e-Nifaz-Shariaf Mohammadi) lãnh đạo. Nhân vật này nổi lên qua sóng phát thanh với các bài phát biểu đòi áp dụng luật Hồi giáo hà khắc (hay còn gọi là Shariah). Hầu hết các chiến binh nhóm Tehrike-e-Nifaz-Shariaf Mohammadi đều dễ nhận dạng với mái tóc dài, râu, súng và giày chạy. Lực lượng nhóm Tehrike-e-Nifaz-Shariaf Mohammadi nhiều nhất là 2.000 người.

Tại một số khu vực, chỉ một nhóm nhỏ quân nổi dậy cũng có thể kiểm soát cả một ngôi làng. Nhóm này cai trị bằng sự sợ hãi của dân chúng như: chặt đầu những người ủng hộ chính phủ, cho nổ tung các cây cầu và buộc phụ nữ phải trùm burqas, cấm trẻ em, nhất là trẻ em gái đi học. Lực lượng này cũng có một chính quyền song song với bộ máy do chính phủ Pakistan lập nên với tòa án, cơ quan thuế, các nhóm tuần tra và  các chốt chặn. Một nghị sĩ và một quan chức chính quyền ở Thung lũng Swat cho hay, các chủ đất và chủ cửa hiệu tại đây được yêu cầu giao nộp 2/3 thu nhập cho lực lượng Taliban. Trong khi đó có tới 1/3 cư dân nơi đây phải chạy lánh nạn về các địa phương khác trong nước hoặc ra nước ngoài do các cuộc xung đột vũ trang ngày càng tăng nhanh cũng như sợ hãi vì luật Hồi giáo hà khắc.

Những gì diễn ra thực sự khiến giới chức Pakistan lo lắng vì thung lũng này nằm ngay ngoài khu vực mà Al-Qaeda và Taliban thường tấn công và ngoài tầm các chiến dịch của quân đội. “Bạn không thể tưởng tượng nó tồi tệ như thế nào. Tình hình xấu đi mỗi ngày”, Muzaffar ul-Mulk, một nghị sĩ liên bang cho hay. Nhà của ông Muzaffar ul-Mulk tại Thung lũng Swat đã bị một số kẻ lạ mặt dùng bom tấn công vào giữa tháng 12-2008, vài tuần sau khi ông rời đây. Các hoạt động của Taliban ở vùng tây bắc Pakistan trở nên mạnh mẽ hơn khi Pakistan chuyển quân tới khu vực biên giới với Ấn Độ do căng thẳng giữa 2 nước vì vụ tấn công khủng bố ở Mumbai hồi tháng 11-2008.

Lê Minh Châu

Kỳ tới: Cuộc tranh chấp giằng co giữa chính phủ với Taliban