Thưởng công dân giao nộp voọc chà vá

Thứ sáu, 16/11/2018 15:00

Chiều 15-11, UBND xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) ghi nhận và thưởng cho anh Đặng Thủy (1981, trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) vì đã có thành tích trong công tác bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD). Theo anh Thủy, sáng cùng ngày, anh vào khu vực Sông Hương (giáp ranh với H. Đại Lộc, Quảng Nam) bứt mây, khi về phát hiện 1 cá thể voọc chà vá chân nâu khoảng 5 tháng tuổi bị lạc bầy, sức khỏe rất yếu nên đưa về nhà chăm sóc, sau đó giao nộp cho chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm huyện để cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên... “Việc người dân tự nguyện giao nộp cá thể voọc chà vá này cho cơ quan chức năng chứng tỏ người dân đã dần có ý thức trong việc cùng chung tay bảo vệ ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là cá thể voọc chà vá chân nâu thứ 4 mà người dân địa phương đã giao nộp” - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Thị Lý xác nhận.

UBND xã Hòa Phú ghi nhận và thưởng cho anh Đặng Thủy (giữa).

Được biết, thời gian qua, không chỉ riêng Hòa Phú mà nhiều hộ dân khác trên địa bàn các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Ninh, Hòa Khương (H. Hòa Vang) cũng đã giao nộp 5 cá thể voọc chà vá cùng nhiều loài ĐVHD khác như khỉ mặt vàng, khỉ đuôi dài, chim ưng, trăn, rùa núi... Có nhiều “cò” khi nghe tin đã tìm đến mua với giá cao nhưng người dân vẫn kiên quyết không bán, mà tự giác giữ lại giao nộp cho chính quyền địa phương.

Trưởng CAX Hòa Phú Lê Văn Minh cho biết, cùng với việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân không tham gia các hoạt động săn bắn ĐVHD trái phép, xâm hại đến các loài động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài nằm trong “danh mục đỏ”.

Hiện nay, hình ảnh của loài voọc chà vá chân nâu hay còn gọi là “Nữ hoàng loài linh trưởng” đã được chính quyền, nhân dân TP Đà Nẵng chọn là biểu tượng về tính đa dạng của các loài động thực vật quý hiếm và đã có nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, trường học cùng lên tiếng, tham gia các hoạt động bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Trong đó, đáng chú ý là nhiều tin báo về các vụ vi phạm là do quần chúng cung cấp, chứng tỏ ý thức phòng, chống buôn bán, tiêu thụ ĐVHD của cộng đồng đã được nâng lên. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, nên các cơ quan chức năng cần xác định, việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ ĐVHD là biện pháp quan trọng và bền vững. Bởi bảo tồn các loài ĐVHD sẽ giúp cho hệ sinh thái cân bằng và phát triển  cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta và con cháu sau này.

VY HẬU