Thương hiệu khu 7 trên vùng biên cương

Thứ sáu, 09/07/2021 16:55

Địa danh Khu 7 có tên từ thời kháng chiến chống Mỹ ở Tây Giang, Quảng Nam, gồm các xã Chơm, Ga Ry, A Xan, Trhy… có đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Khu 7 nổi tiếng trong thời đánh Mỹ, nhưng  còn nổi tiếng bởi một loài cây cỏ rừng, được bà con Cơ Tu gọi là Đẳng sâm theo cách gọi của cán bộ, bộ đội hồi kháng chiến. Huyện Tây Giang đang xây dựng đề án, phát triển một vùng chuyên canh Đẳng sâm lên tới hơn 3.000ha tại vùng biên cương này…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Phan Việt Cường thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm từ Đẳng sâm của huyện Tây Giang tại TP Hồ Chí Minh năm 2020.

Hợp tác xã đầu tiên trồng Đẳng sâm… 

Ông Bhriu Liếc-nguyên Bí thư huyện ủy Tây Giang là người sinh ra và lớn lên ngay tại A Xan, Khu 7 nên hiểu về vùng biên cương này lắm. Theo ông Liếc, cây Đẳng sâm ngày xưa đã mọc hoang dã rất nhiều ở vùng Khu 7 và chỉ xuất hiện ở khu vực này, nhiều nhất vẫn là hai xã Chơm và Ga Ry. Người Cơ Tu không biết gọi là cây gì, chỉ lâu lâu đi rừng gặp thì đào cả cây cả củ về, lá thì nấu canh ăn ngọt mát, khỏe người, củ thì ngâm rượu, nếu nhà nào có phụ nữ sinh đẻ thì hầm với gà, ăn vài ba lần, da dẻ mịn màng hồng hào tươi tắn, có nhiều sữa cho con bú khỏe mạnh… Những ngày kháng chiến, Khu 7 Tây Giang là cung đường nhánh Tây Trường Sơn, cán bộ, bộ đội thường qua lại các bản làng Cơ Tu, người Cơ Tu chỉ biết Đẳng sâm là cây rừng tốt, nên đào rồi mang đổi muối, đổi quần áo để dùng. Và cũng phải đến tận những năm 1980, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam sau khi nghiên cứu mới xác định giống sâm ở Khu 7 là một loại Đẳng sâm cùng họ với loài Đẳng sâm có tên trong danh mục các cây thuốc quý Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, thì cái từ Đẳng sâm mới chính thức được người Cơ Tu, Khu 7 Tây Giang đặt tên cho giống cây cỏ hoang quý hiếm ở vùng biên cương này…

Vậy nhưng, cũng phải đến những năm 2000, Đẳng sâm Khu 7, Tây Giang mới được biết đến rộng rãi khi các thương lái chuyên săn tìm cây thuốc quý tìm đến, nhưng số lượng cũng ít lắm. Bà con Cơ Tu đi rừng đi rẫy nếu gặp thì nhổ về, được bao nhiều bán cho thương lái thu mua hết, cây Đẳng sâm hoang dã có nguy cơ cạn kiệt… Người đầu tiên dám mạnh dạn đưa cây Đẳng sâm rừng về trồng tại nương rẫy vườn nhà là Già làng Bling Ríu ở thôn Zơ Zượt, Chơm. Bling Ríu vốn hồi kháng chiến đi bộ đội, rồi làm đến Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Chơm cho đến khi nghỉ hưu, nhận thấy cây Đẳng sâm bản địa đúng là một cây “xóa đói giảm nghèo” đích thực cho người dân vùng biên giới này, Bling Ríu lên rừng đào hàng loạt cây giống về trồng trên nương rẫy nhà mình. Người Cơ Tu thấy việc làm đó thì lạ lùng lắm, nhiều người nói: “Ông già ni làm cán bộ mà bị khùng !. Cái cây nó mọc hoang trên rừng, mắc mớ chi đào nó về trồng ở rẫy nhà mình, để làm chi…?”.  Nhưng Bling Ríu biết rõ, khí hậu, đất đai vùng Khu 7 rất hợp với cây Đẳng sâm, nó mọc hoang trên rừng được, thì cũng mọc trên nương rẫy được, cứ thế sau gần 3 năm, Bling Ríu đã có hơn 3ha Đẳng sâm tại rẫy nhà mình. Và cũng sau 4 năm, mỗi ha Đẳng sâm của Bling Ríu đã thu hoạch mang về cho “ông cán bộ khùng” cả trăm triệu đồng… Người Cơ Tu ở Khu 7 như bừng tỉnh, người người, nhà nhà rủ nhau lên rừng tìm Đẳng sâm về trồng trên nương rẫy nhà mình, bây giờ thì 12 thôn ở hai xã Chơm và Ga Ry nhà nào cũng có vườn Đẳng sâm, có nhiều gia đình có tới 5-6ha Đẳng sâm. 

Có nhiều sâm rồi, nhưng đầu ra, giá cả vẫn còn bấp bênh vì bị thương lái thu mua chặn giá, ép giá. Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của UBND huyện Tây Giang, Hợp tác xã Nông nghiệp Chơm được thành lập, đây là Hợp tác xã đầu tiên ở vùng biên cương xa xôi này. Hợp tác xã có nhiệm vụ phát triển vùng nguyên liệu cây Đẳng sâm và thu mua sản phẩm Đẳng sâm cho một số doanh nghiệp chế biến Đẳng sâm tại trung tâm huyện Tây Giang. Sau gần 3 năm thành lập, đến nay Hợp tác xã đã có 32 hộ dân tham gia, với hơn 60ha Đẳng sâm tại hai xã Chơm và Ga Ry. Chiều tháng 6-2021, giữa biên cương ngút ngàn màu xanh cây lá, A Lăng Lơ, một thanh niên Cơ Tu chưa tròn 30 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chơm, kể chuyện cây Đẳng sâm cho tôi nghe. A Lăng Lơ hạch toán, 1ha nương rẫy trồng lúa, mỗi năm một vụ chỉ thu chừng 2 tấn lúa, nếu bán chỉ chừng 16 triệu đồng, nhưng nếu trồng Đẳng sâm, 1ha cho thu hoạch khoảng 2 tấn sâm củ tươi, với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg như hiện nay, sẽ thu về 400 triệu đồng, như vậy là lợi gấp hơn 20 lần trồng lúa… Cây Đẳng sâm thường ra lá từ mùa xuân đến mùa thu sẽ rụng lá để tập trung phát triển củ, thời gian này người dân có thể thu hái lá để bán, trung bình 1kg lá sâm hiện nay cũng tới 35 nghìn đồng, đây cũng là một nguồn thu không nhỏ với người dân. Với nguồn lợi từ cây sâm như thế, những năm qua, bà con Cơ Tu Khu 7 đã nhận thấy, nên hăng hái tích cực trồng và phát triển diện tích cây sâm.

A Lăng Lơ- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Chơm giới thiệu mô hình trồng Đẳng sâm xen canh ngô trên nương rẫy.

Quy hoạch vùng chuyên canh Đẳng sâm…

Ông Bling Mia- Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, Tây Giang có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 91 nghìn ha, trong đó diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp hơn 70 nghìn ha. Từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nông thôn mới, Quyết định 2950 đã hỗ trợ và người dân tự trồng phát triển cây dược liệu được gần 1.000ha, trong đó diện tích chuyên trồng Đẳng sâm gần 600ha, tại 3 xã vùng cao của huyện. Đến nay, các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp tại chỗ đã đầu tư trồng Đẳng sâm theo hướng bán thâm canh, tập trung để tạo thành vùng nguyên liệu lớn tại 2 xã Chơm và Ga Ry, đầu ra đã dần ổn định vì có sự liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp và các tư thương trong và ngoài huyện. Sản phẩm từ Đẳng sâm được phát triển đa dạng và thiên về chế biến, cụ thể Đẳng sâm trước đây chủ yếu bán ra để ngâm rượu, nhưng nay bán ra phục vụ cho việc chế biến  tạo ra các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, tạo ra giá trị là  cao Đẳng sâm, Đẳng sâm ngâm mật ong, Trà túi lọc Đẳng sâm, mứt Đẳng sâm… Trong năm 2019, có 3 sản phẩm từ Đẳng sâm tham gia dự thi Chương trình OCOP cấp tỉnh đạt từ 3-4 sao, năm 2020 tiếp tục có 2 sản phẩm Đẳng sâm đạt từ 3-4 sao. Bên cạnh đó, Đẳng sâm còn cho thu nhập từ việc bán lá Đẳng sâm và giống từ củ, hạt. Kết quả ban đầu đã đem lại nhiều tín hiệu khả quan. 

Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ chuỗi giá trị từ Đẳng sâm gặp phải một số khó khăn nhất định. Sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, chưa thật sự bền vững, giá trị gia tăng từ sản phẩm Đẳng sâm chưa cao. Chưa có doanh nghiệp tâm huyết đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp tại huyện nên đầu ra cho sản phẩm Đảng sâm không ổn định. Hiện nay huyện Tây Giang đã có đề án phát triển vùng trồng nguyên liệu Đẳng sâm lên hơn 3.000ha tại các xã vùng Khu 7, theo đề án phát triển cây dược liệu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ năm 2017,  rất cần sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền ngành chức năng tỉnh Quảng Nam và Trung ương.  Huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có tâm huyết trên lĩnh vực nông nghiệp quan tâm, nghiên cứu để cùng địa phương phát triển vùng dược liệu quý, tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội vùng biên cương của đất nước…       

HỒNG THANH

Theo tài liệu dược liệu cổ truyền, Đẳng sâm là loài dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa bệnh như nhân sâm (Đỗ Tất Lợi, 2006). Theo nghiên cứu y dược hiện đại, Đẳng sâm chứa nhiều saponin, acid amin, glycosid scutellarin, đường,.. rất tốt cho cơ thể, giúp phục hồi sinh lực, giải tỏa stress, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch…