Thương hiệu lính hình sự
(Cadn.com.vn) - Do tính chất đặc thù, hầu hết CBCS thuộc lực lượng Cảnh sát ĐTTP về TTXH (Cảnh sát hình sự) CATP TP Đà Nẵng luôn xác định sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Nhiều lần theo chân lực lượng CSHS phá án, chúng tôi hiểu rằng, để có được cuộc sống yên bình, nhiều thế hệ CBCS Phòng CSHS CA Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) nay là CATP Đà Nẵng đã lặng thầm đổ mồ hôi công sức, kể cả chấp nhận hy sinh.
Khen thưởng đột xuất Phòng CSĐTTPVTTXH bắt giữ đối tượng cướp giật. |
Nói về sự hiểm nguy và gian khổ của nghề, Trung tá Đinh Văn Tự, Đội Phó đội Hướng dẫn Điều tra án xâm phạm sở hữu thuộc Phòng CSĐTTP về TTXH không thể nào quên được cái đêm đối mặt với tên cướp đặc biệt nguy hiểm Đỗ Thái Bình. Chuyện xảy ra đã 20 năm nhưng anh vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ. Anh kể, chỉ trong vòng hai năm (1992 đến 1994) Bình cùng đồng bọn sử dụng vũ khí nóng (súng ngắn) gây ra 64 vụ cướp tài sản của các xe dọc QL1A, lấy đi số tài sản giá trị lớn. Không chỉ chặn đường cướp tài sản của các lái xe đường dài trong đêm vắng, chúng còn hãm hiếp phụ nữ, gây búc xúc và hoang mang dư luận.
Trước thực trạng này, CA Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) xác lập chuyên án đấu tranh, anh Tự khi đó là trinh sát, được BCA phân công mai phục tại khu vực cầu Cánh Tiên (Quảng Nam), nơi thường xảy ra nhiều vụ cướp. Vị trí này khá trống trải, xung quanh là đồng không mông quạnh, hằng đêm tổ của anh gồm 3 người thường trải áo mưa mật phục gần các gò mả, gầm cầu và bờ ruộng.
Đúng 1 tháng 25 ngày liên tục bám địa bàn, rạng sáng 6-5-1994, tổ của anh giáp mặt kẻ cướp. Phát hiện nghi can, anh Tự cùng đồng đội nổ súng chỉ thiên và hô to khẩu lệnh yêu cầu đứng lại. Nhưng lúc đó Bình cầm súng ngắn tháo chạy, khẩu AK trên tay anh Tự có 30 viên đạn khai hỏa. Bình “dính đạn” vào bả vai, ngã xuống ruộng lúa, lúc đó trên tay vẫn còn cầm khẩu súng với 1 viên đạn đã lên nòng. Khi anh Tự tiếp cận thì Bình rên rỉ: “Tôi bị thương rồi, xin cán bộ tha mạng”. Lúc này trời rạng sáng, anh Tự cùng đồng đội dìu Bình lên đường QL1A sau đó chặn xe cấp tốc đưa y vào bệnh viện cấp cứu để khai thác mở rộng và sau đó triệt xóa toàn bộ băng cướp nguy hiểm này.
Ở Phòng CSĐTTP về TTXH CAP Đà Nẵng hiện nay, Thượng tá Nguyễn Hữu Lài (Phó trưởng phòng) là người có thâm niên nhất trong nghề CSHS. Trong hàng trăm vụ án anh cùng đồng đội trực tiếp tham gia triệt phá, hỏi vụ nào gian khổ và hiểm nguy nhất, anh bảo không thể nào quên được chuyến đi truy bắt đối tượng giết người Nguyễn Việt Hưng ở bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam). Hưng là đối tượng trực tiếp giết hại Dung Hà trong chuyên án Năm Cam cùng đồng bọn bị Bộ CA xác lập chuyên án triệt phá năm 2010. Hầu hết các đàn em thân cận của Năm Cam sa lưới, riêng Hưng nhanh chân trốn vào bãi vàng Khe Tăng của Phước Sơn.
Ngày 31-1- 2002 anh Lài cùng 2 ĐTV Cục Cảnh sát điều tra (BCA) bí mật đột kích vào bãi vàng Khe Tăng để bắt Hưng. Trên đường đi, cả 3 nhiều lần bị bọn đầu gấu, bảo kê bãi vàng bắt nạt nhưng vì nhiệm vụ tuyệt mật nên các anh nhún nhường hạ mình để tiếp cận đối tượng. 4 giờ ngày 1-2, tổ công tác tiếp cận một cai bãi vàng có máu mặt, khống chế buộc y đưa đi tìm nơi Hưng ẩn náu. Kết quả là Hưng bị bắt giữ trong lúc đang ngủ say trong lán trại ở giữa rừng. Đề phòng bất trắc, ngay sau đó Hưng được di lý khẩn cấp ra khỏi bãi. Anh Lài khi đó trên người mặc áo mưa tiện lợi, tay thủ súng ngắn, cùng đồng đội dìu Hưng ra khỏi bãi, bởi trên đường đi y liên tục lên cơn nghiện ma túy.
Cũng ở Phòng CSĐTTP về TTXH năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ của thiếu tá, liệt sĩ Phan Công Việt, toàn thể CBCS đều đến nhà riêng của Việt tại xã Hòa Khương (H. Hòa Vang) để viếng người đồng đội thân thiết. Trong số ấy, trung úy Ngô Thanh Đông bao giờ cũng xúc động nhất. Bởi ngày Việt hy sinh, Đông có mặt bên đồng đội. Khi tiếp cận đối tượng Phạm Đình Dương (1965, trú TP Đà Nẵng), Phan Công Việt bất ngờ bị y rút dao đâm liên tiếp 2 nhát vào ngực. Đông lao đến hỗ trợ đồng đội khống chế đối tượng, mặc dù bị đối tượng Dương đâm 3 nhát vào vùng sườn bên phải nhưng Đông vẫn không lùi bước, buộc Dương thúc thủ. Do vết thương quá nặng nên Việt không qua khỏi.
Cán bộ Phòng CSĐTTP về TTXH CATP Đà Nẵng công bố quyết định bắt giữ đối tượng cướp giật tài sản. |
Tại Phòng truyền thống CSĐTTP về TTXH CATP Đà Nẵng, ngoài danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” được Nhà nước phong tặng năm 1995 được treo ở vị trí trang trọng, còn có rất nhiều danh hiệu cao quý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ CA và UBND TP Đà Nẵng trao tặng. Phát huy truyền thống anh hùng, kể từ năm 1997, khi chia tách Quảng Nam và TP Đà Nẵng, Phòng CSHS CATP Đà Nẵng, nay là Phòng CSĐTTP về TTXH liên tiếp lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Nổi bật nhất là giai đoạn từ năm 2011 đến 2014, đơn vị luôn đạt danh hiệu Quyết thắng và được Bộ CA tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua vì ANTQ” cấp cơ sở. Trong ngần ấy năm, dấu ấn của đơn vị này thể hiện rõ qua các vụ án xuất sắc: Phá chuyên án 113T, bắt giữ nhóm 6 đối tượng trộm cắp 45 xe máy các loại; chuyên án 138C và 122T bắt giữ 2 “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân và Nguyễn Tuấn Vũ; chuyên án 412B chặt đứt nhiều đường dây cá độ bóng đá qua mạng Internet tại Đà Nẵng có số tiền ăn thua lên đến hàng trăm tỷ đồng; chuyên án 006G bắt giữ nhóm 8 đối tượng có hành vi sử dụng mã tấu và súng bắn người trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Hải Châu); các chuyên án 406C, 907C, 711B, 612B… Đặc biệt từ năm 2010 đến tháng 7-2015, 100% vụ án giết người trên địa bàn Đà Nẵng đều được khám phá, làm rõ thủ phạm một cách nhanh chóng.
Những chiến công liên tiếp của CBCS Phòng CSĐTTP về TTXH có sự liên kết khá sâu sắc đến thương hiệu Đà Nẵng yên bình. Và ngược lại, khi nói đến Đà Nẵng đáng sống, không thể không nhắc đến sự góp phần của lực lượng CA toàn thành phố nói chung, đến công sức của lính hình sự nói riêng.
Đinh Nga