Thương lái Trung Quốc không thu mua ớt: Doanh nghiệp bỏ rơi nông dân?

Thứ sáu, 27/06/2014 10:56

(Cadn.com.vn) - Khoảng giữa năm 2013, hàng ngàn hộ nông dân ở H. Phong Điền (TT-Huế) đột ngột chuyển diện tích đất trồng sắn, lạc, rau màu sang trồng ớt theo vận động của chính quyền địa phương khi có doanh nghiệp (DN) đến đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm đầu ra để bán cho thương lái Trung Quốc. Thế nhưng, khi ớt chín rợp vườn thì DN lại quay lưng, bởi thương lái Trung Quốc không thu mua.

Xã Phong Hiền là một trong những xã chuyển đổi diện tích trồng mía, lạc, sắn, rau màu sang trồng ớt lớn nhất của H. Phong Điền với hơn 100 hộ dân tham gia. Trong đó, hộ nhiều trồng khoảng 3 sào, hộ ít khoảng 1 sào. Ông Trần Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, chương trình trồng ớt cao sản xuất khẩu được triển khai vào tháng 1-2014, do Cty Tân Phú Quang có địa chỉ tại Quảng Nam giao cho HTX NN Lam Dương (Quảng Nam) trực tiếp về vận động người dân trồng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 6.200 đồng/kg.

Ngoài ra, Cty còn hỗ trợ bà con phân bón và đặc biệt loại giống của cây ớt cao sản loại chỉ địa ngoài bao bì in nhãn hiệu của Trung Quốc. Trước đây, năm 2013, Cty này cũng đã về vận động người dân trồng giống ớt cao sản nhưng loại chỉ thiên và sau đó nhập hàng đi cho thương lái Hàn Quốc. Sau đợt đó, bà con nông dân thấy hiệu quả nên tiếp tục trồng nhưng không ngờ lần này DN cho rằng, Trung Quốc không ăn hàng nên DN không thu mua.

Ông Trần Ngọc ngậm ngùi khi ớt đến kỳ thu hoạch nhưng Cty không mua theo cam kết.

Ông Trần Ngọc (70 tuổi), một hộ dân trồng ớt ở xã Phong Hiền bức xúc: “Mấy ngày qua, nhìn ớt chín ươm cả vườn mà Cty không mua theo cam kết hợp đồng khiến vợ chồng tui như ngồi trên đống lửa. Cty không nhập ớt, mỗi ngày vợ tui chỉ hái vài ba ký đem ra chợ bán đổi lấy gạo”. Cũng theo ông Ngọc, để có được trái ớt to, chắc và khỏe, cả gia đình ông với 3 công lao động đã chăm sóc ròng 3 tháng...

 Tương tự, hộ ông Hiến cũng rất bất bình khi ớt xuất khẩu trồng ra mà Cty không thu mua theo cam kết. “Không chỉ có DN mà hôm về vận động bà con chuyển đổi sang trồng ớt xuất khẩu còn có cán bộ xã, huyện. Cty hứa chắc chắn đến khi thu hoạch, họ sẽ thu mua 6.200 đồng/kg. Tính đi tính lại, thấy có lãi, nhiều nông dân ở xã Phong Hiền nhổ lạc, nhổ sắn để trồng ớt xuất khẩu, nào ngờ, trồng có sản phẩm lại bị quay lưng”.

Không bán được ớt, nông dân đành thu hoạch ớt đem phơi khô.

Không chỉ có nông dân ở xã Phong Hiền chịu thiệt khi trồng ớt xuất khẩu nhưng Cty Tân Phú Quang không thu mua theo hợp đồng, mà ở các xã ngũ Điền còn lại như Phong Chương, Điền Hải, Điền Hòa, Điền Môn... cũng rơi vào cảnh tương tự. Một hộ dân nhìn cánh đồng ớt hơn 2 sào ngày càng chết héo, mà nước mắt chảy dài: “Mấy tháng ni, vợ chồng tui trông cho ớt chín để bán cho Cty, kiếm tiền rồi vay thêm ngân hàng mua lại chiếc xe máy cho đứa con lớn đi làm, chứ hắn đi xe đạp mà chỗ làm xa, nhiều lúc bị trễ. Nào ngờ, ớt đã chín nhưng chẳng ai thèm nhòm ngó. Cả tháng ni, nhà tui không còn chỗ để phơi ớt”.

Trước thực trạng, nông dân trồng ớt nhưng không được Cty thu mua theo cam kết với giá 6.200 đồng/kg khiến cho đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo H. Phong Điền đã nhiều lần yêu cầu đại diện Cty Tân Phú Quang trực tiếp làm việc. Sau nhiều lần được “mời”, vừa qua, đại diện Cty Tân Phú Quang đã có buổi làm việc với UBND H. Phong Điền về việc thu mua ớt cao sản cho người dân. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT H. Phong Điền cho biết, tại buổi làm việc, đại diện Cty đưa ra lý do không thu mua ớt do  thương lái Trung Quốc không thu mua ớt cao sản nữa, khiến công ty gặp khó khăn; nhiều địa phương khác trồng ớt nhiều nên mặt hàng nông sản này bị ứ đọng.

Cty đưa ra 2 phương án, một là thu mua ớt mức giá mới chỉ 4 nghìn đồng/kg; hoặc sẽ hỗ trợ cho người dân 500 ngàn đồng/sào ớt (trong khi đó, nếu theo hợp đồng, đến kỳ thu hoạch, nông dân sẽ thu mua gần 2,5 triệu đồng/sào). Trước nghịch cảnh này, nhiều nông dân đành ngậm ngùi chấp nhận phương án hỗ trợ 500 ngàn đồng/sào.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, mặc dù dịp này, ớt đến kỳ thu hoạch nhưng Cty Tân Phú Quang không mua theo cam kết hợp đồng. Vậy mà, Cty này lại yêu cầu xã, vụ tới, tiếp tục vận động người dân trồng ớt và hứa chắc chắn sẽ thu mua. Tuy nhiên, ông Thiện rất e ngại, không biết lời hứa của Cty có chính xác hay không. Ông Thiện nói, việc vận động để bà con nông dân tiếp tục tham gia trồng ớt cao sản xuất khẩu bán cho Cty Tân Phú Quang trong thời gian tới là rất khó thực hiện.

H.Lan