Thương mại điện tử - xu hướng tất yếu

Thứ năm, 29/08/2013 11:50

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-8, tại Đà Nẵng, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và CNTT (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 52/2013 của Chính phủ và Thông tư 12 hướng dẫn của Bộ Công Thương về TMĐT nhằm hỗ trợ DN thực hiện nghiêm chỉnh các quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website TMĐT, những quy định mới trong hoạt động TMĐT, ngăn chặn hành vi lừa đảo, trục lợi từ TMĐT, tạo tiền đề cho việc giao dịch TMĐT được minh bạch, xây dựng lòng tin trong thương mại trực tuyến, chiến lược tiếp thị trực tuyến trên Internet, những lợi ích khi tham gia vào sàn TMĐT...

“Bùng nổ” TMĐT

Theo báo cáo của Cục TMĐT và CNTT với hơn 36 triệu người dùng Internet, chiếm 37% dân số, Việt Nam và bằng 1/4 dân số thế giới, đứng thứ 18/20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới, là thị trường “màu mỡ” để phát triển các dịch vụ TMĐT. Đây cũng là khởi đầu thuận lợi để các dịch vụ mua sắm qua mạng nở rộ. Nguồn thu từ TMĐT của Việt Nam đạt gần 2 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, và được dự báo lên con số 6 tỷ USD vào năm 2015. Và ngày càng có nhiều DN TMĐT đã ra đời với nhiều mô hình dịch vụ đa dạng và phong phú. Trong đó, nổi trội nhất và thu hút được nhiều người tham gia nhất vẫn là các dịch vụ mua sắm trực tuyến. Hiện nay nhiều kênh mua sắm trực tuyến với nhiều mô hình hoạt động khác nhau như vatgia, 5giay, muare, enbac, rongbay, muachung, hotdeal...

Theo kết quả nghiên cứu của Cục TMĐT công bố, năm 2012 số hồ sơ đăng ký sàn giao dịch TMĐT tăng gấp 2,5 lần năm 2011 và xu hướng còn tăng mạnh trong năm 2013, số thành viên tham gia giao dịch qua sàn cũng tăng gấp đôi từ 3,148 triệu thành viên cuối năm 2011 tăng lên 6,263 triệu thành viên năm 2012, đặc biệt số giao dịch thực hiện qua sàn thì tăng gấp 9 lần từ 1,5 triệu giao dịch lên 13,8 triệu giao dịch và doanh thu cũng tăng từ 4.130 tỷ đồng lên 7.360 tỷ đồng. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng mua sắm online và tin tưởng hơn vào các biện pháp bảo mật trực tuyến của các website. Đây cũng là điểm then chốt để các DN TMĐT tạo dựng uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sàn TMĐT đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của DN cũng như mua sắm của người dân. Trong ảnh: Một góc sàn TMĐT cungmuadanang.com.

Theo ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, năm 2012, chỉ số TMĐT của TP đứng thứ 3 sau Hà Nội và TPHCM. Qua khảo sát các DN trên địa bàn thì tỷ lệ các DN dùng máy tính và tỷ lệ sử dụng email là 100%, tỷ lệ kết nối Internet là 98,3%, tỷ lệ DN có nguồn nhân lực đáp ứng tốt về nhu cầu CNTT và TMĐT là 75% và tỷ lệ có Website riêng là 37%. Do đó, hiệu quả ứng dụng TMĐT trong kinh doanh của các DN trên địa bàn như mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng, quảng bá hình ảnh DN, giảm chi phí và tăng doanh thu là tương đối tốt và việc áp dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh sẽ là xu hướng tất yếu của thời đại.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT - Bộ Công Thương chia sẻ việc ứng dụng TMĐT đối với các DN là rất cần thiết, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hàng tồn kho tăng cao, hàng loạt DN đóng cửa, sức mua yếu và kim ngạch xuất khẩu giảm. Ông Minh cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động, 36 triệu người truy cập Internet. TMĐT giúp DN quảng bá được sản phẩm một cách nhanh chóng và hữu hiệu nhất, tiếp xúc với khách hàng một cách dễ dàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, giảm chi phí và tăng doanh thu, lợi nhuận. Vì vậy, xu thế phát triển mạnh mẽ của mua bán trực tuyến đang diễn ra rất phổ biến. Bên cạnh đó, do phát triển bùng nổ nên trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo qua TMĐT gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Do đó, đã đến lúc phải đưa vào khuôn khổ pháp lý để ràng buộc...

Đưa TMĐT vào khuôn khổ

TMĐT là lĩnh vực đang phát triển sôi động, nhiều hình thức liên tục được cập nhật, biến đổi, đòi hỏi các quy định pháp luật cũng cần được điều chỉnh sát với thực tế hơn. Hơn nữa, trước tình trạng một số vụ lừa đảo qua hình thức TMĐT gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 về TMĐT thay thế Nghị định số 57 năm 2006. Theo Nghị định 52 về TMĐT có nhiều điểm mới đáng chú ý. Trước hết, quy định đối tượng tham gia TMĐT khá rộng; hình thức hoạt động gồm: website bán hàng và cung cấp dịch vụ điện tử cùng những hình thức khác. Nghị định cũng đề ra cách thức về quản lý: website cung cấp dịch vụ điện tử phải đăng ký và những dịch vụ TMĐT là phải được cấp phép. Đặc biệt, với quy định về các nhóm hành vi nghiêm cấm trong hoạt động TMĐT như sử dụng TMĐT để huy động tài chính, bán hàng đa cấp qua mạng, mua bán không được phép... Ngoài ra, Bộ Công thương cũng ban hành Thông tư 12 hướng dẫn Nghị định 52 với các chế tài xử phạt cụ thể sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng TMĐT để lừa đảo, trục lợi.

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Nghị định số 52 về TMĐT có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 có nhiều điểm mới là quy định rõ đối tượng áp dụng và đối tượng rất rộng: cá nhân, thương nhân và tổ chức tham gia hoạt động TMĐT. Đối với công tác quản lý Nhà nước về TMĐT thì rất đơn giản, DN chỉ cần thông báo qua hình thức online. Một điểm nổi bật nữa là các chủ thể, các website điện tử đều công khai trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương (www.online.gov.vn).

Xuân Đương